Từ sáng sớm, ông Nguyễn Quang Thông (53 tuổi, trú xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã tất bật ủ thức ăn cho đàn trâu 250 con đang thời kỳ xuất bán của gia đình.
Trang trại nuôi trâu rộng gần 4 ha của người đàn ông ngoài 50 tuổi nằm lọt thỏm giữa những đồi cao su ngút ngàn. Với quy mô 250 con trâu thịt và nái sinh sản, đây được xem là trang trại trâu lớn nhất Hà Tĩnh.
"Trâu gắn bó với người dân quê tôi nhưng họ nuôi nhỏ lẻ, ngoài sức cày kéo còn cho sinh sản. Với thị trường rộng lớn, tôi đầu tư nuôi loài vật này với quy mô lớn hơn", anh Thông tâm sự.
Người đàn ông ngoài 50 kể gia đình vốn kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng hàng chục năm qua. Tháng 8/2020, với niềm đam mê nông nghiệp và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi trên cả nước, ông đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và mua trâu giống về nuôi.
|
Ông Thông bên đàn trâu vỗ béo. Ảnh: P.T.
|
Đến nay, mô hình của ông đã duy trì tổng đàn 250 con trâu, trong đó 100 trâu giống từ Thái Lan, 100 trâu giống nội địa và 50 con trâu nái sinh sản.
"Trâu khi mua về mỗi con có trọng lượng 400 kg. Sau 4-5 tháng vỗ béo, trâu đạt trọng lượng 650 kg sẽ xuất bán. Số trâu nái sinh sản còn lại cũng phát triển tốt, khả thi trong nhân giống để tăng tổng đàn”, ông Thông nói.
Chủ trang trại trâu nói rằng nuôi trâu là hướng đi mới, cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn nên phải tìm hiểu nguồn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.
Để đáp ứng đủ nguồn thức ăn cho đàn trâu, ông Thông đã trồng ngô, cỏ trên diện tích 2 ha của trang trại. Chủ trang trại còn thu mua nông sản, sản phẩm nông nghiệp như ngô, sắn, lúa… của người dân trong vùng. Với ngô, cỏ làm thức ăn cho trâu cũng được ủ chua để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong chăm sóc.
|
Trang trại trâu này được xem là mô hình nuôi trâu lớn nhất Hà Tĩnh hiện tại. Ảnh: P.T.
|
Lão nông tính toán với tổng đàn 250 con trâu giống, mỗi con khoảng 400 kg, tổng trọng lượng khoảng 100 tấn. Nếu thuận lợi, mỗi lứa trâu được xuất bán, người nuôi sẽ có thu nhập tiền tỷ. Tuy nhiên, do dịch bệnh và khó khăn về thị trường, hai năm qua, trang trại vẫn đang lỗ so với dự kiến.
“Hai năm qua thị trường không ổn định, giá thịt trâu giảm mạnh. Mỗi kg ngày thường bán 100.000 đồng/kg, nay chỉ còn 65.000 đồng. Nếu được hỗ trợ thêm các chính sách cho người nuôi và thị trường tiêu thụ, về lâu dài nuôi trâu vẫn là hướng đi mang lại kinh tế cao”, ông Thông cho hay.
Chủ trang trại trâu cho biết sẽ đầu tư tăng tổng đàn trâu lên 500 con như quy mô được phê duyệt. Hiện, ông Thông đang xây dựng khu vực nuôi giun quế để xử lý phân thải của đàn trâu. Ngoài ra, trang trại sẽ có thêm nhà máy chế biến thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi và cung cấp cho người dân chăn nuôi trên địa bàn.
Trang trại của ông Thông còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động địa phương, với mức thu nhập mỗi người từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với Zing, ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết trang trại 250 con trâu của anh Thông là mô hình kinh tế điển hình, lớn nhất tỉnh hiện nay.
“Chủ trang trại rất mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Mô hình vừa giải quyết việc làm, vừa bao tiêu được sản phẩm ngô sinh khối người dân trên địa bàn. Nếu đầu ra ổn định hơn thì đây là mô hình có xu hướng phát triển tốt”, ông Kỳ nói.