Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), tại một cơ sở ở phía đông tỉnh Sơn đông, 3 tỷ con gián ăn 15 tấn rác thải gia đình mỗi ngày giúp giải quyết vấn đề môi trường lâu dài, đó là núi thức ăn thừa bị đem đổ đi mỗi ngày.
Các nhà hàng trên khắp Trung Quốc cũng bắt đầu bắn các loại món ăn chế biến từ gián, tạo ra nguồn tiêu thụ mới trong trường hợp lương thực cạn kiệt.
Số trang trại nuôi gián ở tỉnh Sơn Đông đã tăng lên con số 400 chỉ trong 3 năm, theo ông Liu Yusheng, Chủ tịch hiệp hội công nghiệp côn trùng Sơn Đông và là giáo sư côn trùng học tại Đại học Nông nghiệp Sơn Đông, cho biết.
“Chúng tôi đã đạt bước tiến lớn trong việc nuôi và nhân giống gián trong vài năm qua”, ông Liu nói.
Nuôi gián làm thuốc
Cách đó 2.000km, ở phía tây nam thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, tòa nhà hai tầng chứa tới 6 tỷ con gián. Chúng được nuôi lớn để chế biến thành các loại thuốc.
“Đây giống như khách sạn 5 sao giành cho gián vậy”, Geng Funeng, chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Gooddoctor, chủ cơ sở nói.
Trang trại nuôi gián trông hoàn toàn bình thường, khi nhìn từ bên ngoài. Nhưng ở đó tỏa ra loại mùi đặc biệt của hàng tỷ con gián bên trong.
Bao quanh khu vực là các mương nước nuôi cá, luôn sẵn sàng nuốt chửng bất cứ con gián nào trốn thoát khỏi trang trại.
Để bước vào tòa nhà, những người ghé thăm phải đi giày và mặc trang phục bảo hộ màu trắng. Các công nhân ở đây đã quen với chuyện gián bò lên khắp quần áo bảo hộ khi bước vào trong để bảo trì hệ thống.
Những con gián đạt tiêu chuẩn xuất xưởng sẽ được chuyển đến một bồn chứa bằng kim loại. Chúng bị giết chết ngay lập tức bằng nhiệt độ cao rồi chiết xuất tinh dầu khỏi cơ thể.
Tinh dầu gián này kết hợp với nhiều dược liệu khác nhau tạo thành những chai thuốc chữa bệnh. Cơ sở nuôi 6 tỷ con gián này có thể cho ra tới 600.000 chai thuốc mỗi ngày.
Chủ tịch Geng nói chai thuốc chiết xuất từ gián có thể chữa bệnh loét miệng, dạ dày, bỏng da và các vết thương ngoài, thậm chí còn ngăn ngừa ung thư dạ dày. Người bệnh có thể uống trực tiếp và bôi ngoài da.
Những chai thuốc như vậy được chuyển đến hàng ngàn bệnh viện trên khắp Trung Quốc. Cơ sở nuôi gián cũng mở rộng quy mô hoạt động lên tới 12.000m2, thay vì 20m2 như cách đây 20 năm.
Công ty này có kế hoạch mở trang trại nuôi gián mới lớn gấp 3-5 lần, sử dụng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo.
Giúp giải quyết vấn đề môi trường
|
Cơ sở nuôi gián của công ty dược phẩm Gooddoctor. |
Đối với những trang trại nuôi gián có quy mô nhỏ hơn, những người dân nuôi gián lấy ấu trùng và bán chúng cho các công ty lớn hơn.
Li Yanrong, chủ công ty công nghệ nông nghiệp Qiaobin nói ông sở hữu trang trại nuôi 3 tỷ con gián. Li chia sẻ, hàng tỷ con gián này ăn hết 15 tấn rác thải gia đình mỗi ngày.
Chúng hấp thụ mọi thứ, tương đương 5% trọng lượng cơ thể mỗi ngày, Li chia sẻ.
“Gián được biết đến là sinh vật ăn thực vật và chất hữu cơ từ hàng triệu năm trước”, ông Li nói. “Chúng là chuyên gia trong lĩnh vực phân hủy chất thải”.
Gián phân hủy chất thải tốt hơn nhiều và thân thiện với môi trường hơn những cách truyền thống, như chôn lấp hay đem đốt.
“Không có cách nào giải quyết lượng chất thải gia đình khổng lồ tốt như cách cho gián ăn”, ông Li chia sẻ.
Công ty của ông Li sẽ xây xong trang trại nuôi gián mới vào tháng 7 năm nay. Trang trại này chứa 5 tỷ con gián và sẵn sàng tiêu thụ hết lượng rác thải ở thành phố, cũng như các khu vực lân cận.
Quá trình phân hủy rác hoàn toàn tự động, từ việc nghiền nát thành các mảnh nhỏ và chuyển tới cho gián ăn.
“Với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ cần 3-4 năm nữa là chúng tôi sẽ nhận tiêu thụ toàn bộ rác thải gia đình trên khắp Trung Quốc”, ông Li nói.
Với những con gián chết, ông Li phát hiện ra rằng chúng là thức ăn giàu protein, rất phù hợp để đem cho gà ăn.
Làm thức ăn cho người
|
Gián được chế biến làm món sushi. |
Sự bùng nổ của các trang trại nuôi gián cũng dẫn đến việc xuất hiện các món ăn mới làm từ gián. Nhiều nhà hàng ở tỉnh Sơn Đông, Tứ Xuyên và Vân Nam đã bắt đầu bán món ăn có nguyên liệu là gián.
Thân gián có màu vàng nhạt và rất mềm, thường được đem chiên hoặc xào với gia vị, muối.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo năm 2013, nhấn mạnh việc con người nên làm quen với việc ăn côn trùng như một giải pháp cho việc thiếu thốn lương thực.
Sữa thậm chí có thể chiết xuất từ loài gián đặc biệt mang tên Diploptera punctata. Đây là loài gián duy nhất đẻ con, thay vì đẻ trứng. Chúng sống trên khắp các hòn đảo ở Thái Bình Dương.
Nghiên cứu năm 2016 của các nhà khoa học Ấn Độ, cho rằng sữa gián cung cấp năng lượng gấp 3 lần sữa bò. Nhưng không rõ liệu nó có phù hợp hoàn toàn với con người hay không.
Li Bingcai, một người nuôi gián ở tỉnh Tứ Xuyên đã hướng sang loại hình thương mại từ cách đây 2 năm.
Mỗi tháng, ông Li bán 10kg gián cho các nhà hàng địa phương. “Mọi người ban đầu có vẻ hơi sợ nhưng sau đó ngày càng nhiều người gọi món ăn làm từ gián”, ông Li nói. “Vị của chúng rất ngon và giàu protein”.