Đào đóng hộp dần trở thành thực phẩm "phải có” đối với một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc trong giai đoạn gần đây.
Theo Sixthtone, nhiều người Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ mình trước đại dịch Covid-19 bằng cách sử dụng các biện pháp điều trị chưa được chứng minh.
Đào đóng hộp giàu vitamin C và nước điện giải, đã trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất Trung Quốc những ngày gần đây. Người mua đào hộp với hy vọng ngăn ngừa lây nhiễm và giúp phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Mặc dù các bài đăng trực tuyến quảng cáo về lợi ích của việc ăn đào hộp, nhưng không có dữ liệu khoa học nào chứng minh loại trái cây đóng hộp này có thể ngăn nhiễm virus.
Đào vàng đóng hộp đang "cháy hàng" ở Trung Quốc
Cửa hàng bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc - Hema Xiansheng (Mr.Hippo) đã ghi nhận nhu cầu đào đóng hộp tăng mạnh bắt đầu từ ngày 8/12. Đến 9/12, trái cây có thời hạn sử dụng lâu đã được bán hết tại các cửa hàng Hema ở Thượng Hải, trong khi các siêu thị khác như Aldi và Carrefour cũng báo cáo nhu cầu cao hơn đối với mặt hàng đào hộp vào cuối tuần.
Khách hàng họ Lưu, 23 tuổi, đến từ thành phố Đại Liên (Liêu Ninh, Trung Quốc), hiện đang sống ở Thượng Hải, cho biết: “Chỗ chúng tôi có truyền thống là cứ khi nào bị ốm thì ăn đào đóng hộp. Đào có thể giúp tránh khỏi bệnh tật. Vị thần của quả đào sẽ phù hộ cho những đứa trẻ”.
Người dân tích trữ đào đóng hộp với niềm tin giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh
Trong những ngày qua, mạng xã hội tràn ngập những người chia sẻ các bài đăng về các ca lây nhiễm và nhật ký hồi phục của họ. Trong đó hầu như đều xuất hiện của loại thực phẩm được xem là "thần thánh" - đào đóng hộp.
Các nhà chức trách cũng đã kêu gọi mọi người ngừng tích trữ thuốc và không tự điều trị hoặc sử dụng các phương pháp điều trị không được phê duyệt. Song với ưu điểm chứa lượng đường cao, giàu vitamin C và thời hạn bảo quản tới 2 năm, đào hộp được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc tin rằng sẽ giúp tăng đề kháng chống lại virus.
Trước tình hình này, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc đã thông báo “cháy” hàng đào hộp, đồng thời nhắc nhở khách hàng rằng sản phẩm này không phải là thuốc.
Ngoài đào đóng hộp, nhiều người cũng tích trữ nước điện giải, với nhu cầu tăng vọt 2.000% trên nền tảng thương mại điện tử JD.com từ 7-8/12.
“Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi ăn đào hộp. Có còn hơn không! Bây giờ mua thuốc khó khăn. Cả khi bị nhiễm bệnh, đào đóng hộp vẫn rất ngon” - người tích trữ đào đóng hộp tên Lưu, cho biết.
Thật ra, món đào đóng hộp đắt hàng một phần xuất phát từ việc loại thực phẩm này mang "ký ức tuổi thơ" của một thế hệ người Trung Quốc. Chính xác hơn, nó là hương vị tuổi thơ của nhiều người ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Theo thống kê, đến năm 1981, sản lượng đào đóng hộp hàng năm ở Trung Quốc đã đạt 8.000 tấn. Vào thời điểm đó, đào vàng đóng hộp vẫn được coi là "thức quà quý". Đặc biệt là đối với miền Bắc Trung Quốc, vì mùa đông ít rau quả tươi nên đồ hộp trở thành lựa chọn hàng đầu.
Đối với những gia đình bình dân, họ chỉ mua đào vàng đóng hộp vào dịp lễ Tết, làm quà biếu. Sau này, với sự phát triển của nền kinh tế và mức sống được cải thiện, các loại thực phẩm đóng hộp không ngừng trở nên phong phú, nhưng trái cây đóng hộp không còn là sự lựa chọn phổ biến của người dân Trung Quốc.
Đào đóng hộp dần trở thành “thực phẩm phải có” như thần dược trong giai đoạn gần đây. Các chuyên gia chỉ ra rằng điều này ở một mức độ nào đó phản ánh sự lạc quan và cởi mở của một bộ phận người tiêu dùng. Đó là một cách để giải tỏa căng thẳng trong thời đại dịch hoành hành.
Nhiều siêu thị ở Trung Quốc còn dùng hàng chữ "Vượt qua dịch bệnh" trên gian hàng bày bán đào đóng hộp
Ngày nay, người Trung Quốc hầu như "chỉ ăn đào vàng đóng hộp khi bị ốm". "Cơn sốt đào vàng đóng hộp" trở thành một hiện tượng mạng, nhưng đằng sau đó là một thói quen của công chúng và kí ức tuổi thơ của một thế hệ.
Ngoài ra, bản thân hình ảnh “quả đào” cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong văn hóa Trung Quốc, tượng trưng cho sức khỏe và sự trường thọ. Chẳng hạn như bánh dành cho người già có hình “thọ đào”. Ngoài ra, cách phát âm của chữ "đào"/tao/trong tiếng Trung giống với chữ "thoát"/tao/, và cũng có cách nói với ý nghĩa “ăn đào thoát nạn”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế nhắc nhở, đào vàng đóng hộp chứa hàm lượng đường cao, ăn quá nhiều cũng sẽ có tác dụng phụ nên nhắc nhở mọi người không nên chạy theo xu hướng một cách mù quáng.