Tại Bình Dương – địa phương tập trung hàng chục khu công nghiệp, từ cuối tháng 10 tới nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và hoạt động sản xuất được khôi phục thì nhiều DN "đứng ngồi không yên" vì thiếu lao động.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân với số lượng lớn. Tuy nhiên, số lượng người lao động tìm việc làm lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, hiện nay đã có trên 85% doanh nghiệp ở Bình Dương hoạt động trở lại. Thời điểm cuối năm, các DN cũng đang tăng tốc sản xuất để kịp các đơn hàng, do vậy cần số lượng lớn lao động...
|
Doanh nghiệp ở Bình Dương thông báo tuyển dụng - Ảnh: X.A |
Cán bộ "đứng đường" để tuyển dụng lao động
Tại các khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An), KCN Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát), KCN Đồng An 2, KCN Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một),... hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều treo biển tuyển dụng lao động với số lượng từ hàng chục đến hàng trăm người.
Do việc tuyển dụng lao động khó khăn, một số DN còn đưa cả bộ phận tuyển dụng “đứng đường”, túc trực tại các điểm tuyển dụng di động tại các tuyến đường nhằm “kéo” người lao động về công ty làm việc.
Tại Công ty Kỹ nghệ gỗ Wanek (thị xã Bến Cát), đơn vị tuyển dụng treo biển tuyển dụng 300 công nhân sản xuất, DN này đưa ra mức thu nhập hấp dẫn từ 8 triệu đồng đến 17 triệu đồng kèm theo các chế độ đãi ngộ khác. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thông báo tuyển dụng, số lượng người lao động đến nộp hồ sơ vẫn rất thưa thớt.
Trong khi đó, Công ty TNHH Beautter Home (KCN Nam Tân Uyên mở rộng, thị xã Tân Uyên, chuyên sản xuất đồ gỗ) trưng biển tuyển dụng đặt ngay cổng KCN với mức lương khá cao nhưng rất ít lao động đến xin việc.
Tương tự, hàng chục DN sản xuất trong lĩnh vực điện tử, may mặc, giày da, chế biến gỗ, bao bì,… cũng đang thiếu hụt lao động, phải “đỏ mắt” chờ người lao động tới nộp hồ sơ.
Theo tính toán của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, hiện nay các DN trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển dụng khoảng 30 – 40.000 lao động để đáp ứng sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Chữ - Tổng GĐ Công ty cổ phần bao bì và khoáng sản số 1 (trụ sở tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) cho biết, sau dịch đơn vị đang cần tuyển số lượng lớn lao động phổ thông với mức thu nhập từ 8 đến 15 triệu/tháng, chưa tính phụ cấp và các khoản hỗ trợ khác.
Theo ông Chữ, mức lương của công nhân tuyển dụng trong thời gian này cao hơn nhiều so với trước đây, nguyên nhân là do DN đang cần gấp lao động trong khi người tìm việc lại không mấy mặn mà. Mặc dù mức đãi ngộ hấp dẫn như vậy nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đủ số lượng lao động để sản xuất theo kế hoạch.
Đại diện một DN may mặc tại KCN Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một) cho hay, để đảm bảo đơn hàng cho đối tác, công ty phải mở rộng sản xuất trong thời điểm này. Tuy vậy, vấn đề “đau đầu” của DN hiện nay là nguồn lao động bị thiếu hụt, có nguy cơ không đáp ứng được số lượng hàng đã ký kết hợp đồng với đối tác.
Nhằm thu hút lao động, DN này đã phải chấp nhận trả lương cao hơn trước đây, hỗ trợ các chi phí đi lại, xăng xe,… cho người lao động. Cùng với đó, DN đã hợp tác với các đơn vị cung ứng lao động trên địa bàn nhưng vẫn không đảm bảo số lượng cần tuyển dụng.
Phối hợp đón lao động trở lại làm việc
Phó GĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động là do sau dịch, các DN mở rộng sản xuất nhằm cung cấp đủ số lượng hàng hóa bị thiếu hụt do phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh, đồng thời sản xuất đơn hàng cho năm 2022.
Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, một phần công nhân đang làm việc tại Bình Dương đã về quê chưa trở lại làm việc dẫn đến việc nguồn lao động bị thiếu hụt so với trước đây.
Một trong những nguyên nhân khác là do một số lao động đang còn tâm lý bất an về dịch bệnh nên chưa đồng ý trở lại làm việc. Do tình hình dịch bệnh có xu hướng tăng và do gần đến cuối năm nên lao động các tỉnh e ngại việc di chuyển đến Bình Dương làm việc...
|
DN trả lương cao nhưng việc tuyển lao động vẫn khó khăn - Ảnh: X.A |
Tuy vậy, thị trường lao động Bình Dương trong thời gian tới đang có dấu hiệu khả quan khi đã có khoảng 750.000 người lao động trở lại làm việc. Theo dự kiến, đến cuối năm nay sẽ có hơn 1 triệu người lao động sẽ trở lại Bình Dương.
Để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đón người lao động trở lại làm việc.
Khi trở lại làm việc, người lao động sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, hỗ trợ công việc cho người lao động có nhu cầu; khuyến khích DN có chính sách tiền lương, các chế độ phúc lợi để hỗ trợ, thu hút người lao động...
Để hỗ trợ DN, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã triển khai việc thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của DN vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua internet, kết nối trực tuyến người sử dụng lao động với người lao động.
Bên cạnh đó, Bình Dương thiết kế phần mềm chat tìm việc nhanh cũng trên website, mạng xã hội zalo, người lao động có thể nói chuyện trực tuyến với tư vấn viên của trung tâm, sau đó được tư vấn viên kết nối với DN phỏng vấn.