|
Hơn 96% người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM được tiêm 2 mũi vaccine nhưng F0 vẫn tăng nhanh trở lại thời gian gần đây (Ảnh P.N). |
Gần 2 tháng sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, 230.000 lao động đã quay trở lại làm việc (chiếm 80%). Doanh nghiệp đều kỳ vọng vào các đơn hàng cuối năm để cứu cho một năm doanh thu thấp nhất lịch sử. Tuy vậy, kế hoạch hồi phục sản xuất có khả năng bị gián đoạn do F0 tăng trở lại.
Theo báo cáo, từ ngày 1/10 đến nay, tại các KCX, KCN và khu công nghệ cao ở TPHCM có gần 4.000 ca F0. Mỗi ngày có khoảng 100 F0 và liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khu công nghệ cao đã thành lập trung tâm cách ly, điều trị Covid-19 tại nội khu, đây cũng là mô hình đầu tiên trong cả nước.
Tại công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, gần 50.000 công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19. Các công nhân được yêu cầu tuân thủ 5K, được xét nghiệm định kỳ nhưng vẫn có nhiều F0, có ngày lên đến 25 ca.
|
Một số doanh nghiệp may mặc đứng trước nguy cơ "mất" Tết vì F0 (Ảnh P.N). |
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, UBND quận Bình Tân đã yêu cầu công ty tổ chức trung tâm thu dung, cách ly với quy mô 200 - 300 giường. Tuy vậy, doanh nghiệp khó thực hiện do thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất, mặt bằng...
Tại công ty may M.P ở TP Thủ Đức, dù các phân xưởng đã được giãn cách, công nhân chia theo nhóm, làm việc theo ca và tuân thủ 5K nhưng F0 vẫn xuất hiện. Có những ngày hàng chục F0 trong công ty được phát hiện sau khi test nhanh dẫn đến dây chuyền sản xuất phải tạm ngưng để khử khuẩn.
"Thực sự rất khó khăn, chúng tôi đã cố gắng hết sức, làm hết sức nhưng không thể thực hiện 'Zero F0' được. Phải chấp nhận thay đổi chuỗi sản xuất để thích ứng nhưng tình hình phức tạp hơn chúng tôi nghĩ doanh nghiệp, người lao động có khả năng mất Tết", ông Đào Duy Huy - giám đốc nhân sự công ty M.P cho hay.
Ông Huy phân tích, 4 tháng giãn cách công ty phải ngưng mọi hoạt động sản xuất nhưng công nhân vẫn được hỗ trợ lương căn bản. Những công nhân ở lại TPHCM được chu cấp thêm tiền phòng trọ, nhu yếu phẩm, thuốc men.
"Ngân sách gần như cạn kiệt, chúng tôi mong các đơn hàng dịp cuối năm để thu lợi nhuận nhằm duy trì công ty, hỗ trợ phúc lợi cho công nhân nhưng tình hình này rất khó. Khả năng doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng, nợ nần, phá sản đang hiện rõ. Điều này thực sự nằm ngoài dự kiến, chúng tôi chưa bao giờ mong điều này xảy ra, không phải vì chúng tôi mà vì gia đình hơn 1.000 công nhân, người lao động", ông Huy chia sẻ.
Ông Huy mong rằng, thời gian tới UBND TPHCM, Ban quản lý các KCX, KCN sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ điều trị F0. Cùng với đó, ông cũng mong các doanh nghiệp được tiếp cận thêm nhiều nguồn vay giá rẻ để thuận lợi hồi phục sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ.
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, đồ gỗ... đều có tình trạng F0 tăng trở lại. Các doanh nghiệp đều đang gồng mình để thích ứng sản xuất trong điều kiện bình thường mới nhưng hiệu quả vẫn được bỏ ngỏ.
"Nhiều lao động khi chúng tôi chia sẻ họ cho biết sẵn sàng giảm lương, thưởng, thậm chí không cần thưởng Tết để cùng nhau vượt khó. Về phía doanh nghiệp, được người lao động hỗ trợ chúng tôi rất vui nhưng cũng rất nặng lòng. Họ gắn bó với mình bao nhiêu năm làm sao để họ phải chịu thiệt thòi. Hy vọng TP sẽ sớm khống chế được dịch để doanh nghiệp an tâm sản xuất nhằm đảm bảo hoạt động công ty và chế độ cho người lao động", đại diện doanh nghiệp may ở quận Thủ Đức thông tin thêm.
Trước tình hình F0 tăng trở lại tại nhiều doanh nghiệp, UBND TPHCM đã yêu cầu Ban quản lý các KCN, KCX phối hợp chặt với chính quyền địa phương, các trung tâm y tế tăng cường xử lý F0 và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, rà soát lại quy trình xử lý F0 để hạn chế nguy cơ lây lan dịch tại các doanh nghiệp và khu nhà trọ.
UBND TPHCM cũng yêu cầu các KCX, KCN sớm thành lập các khu cách ly nội khu; liên kết chặt với các bệnh viện để hỗ trợ F0 trong các trường hợp cần thiết. Các doanh nghiệp cũng phải luôn sẵn sàng vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất khi có F0 để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất.