"Nên bỏ 12 triệu đồng mỗi tháng để thuê nhà hay dùng tất cả số tiền đang có để đi mua nhà và mỗi tháng trả góp 12 triệu mọi người nhỉ? Thấy thuê cũng có cái hay mà bố mẹ cứ bắt mua" là nội dung dòng trạng thái nhận được nhiều lượt tương tác của Thu Thảo (27 tuổi, Hà Nội). Phía dưới bài đăng, mỗi người mỗi ý.
Thực tế, chuyện của Thu Thảo không phải câu chuyện hiếm gặp. Những cân nhắc xoay quanh việc nên mua hay thuê nhà luôn tồn tại với người trẻ, đặc biệt là những người xa quê, đang sinh sống, học tập và làm việc ở thành phố lớn.
Chị Chung Vũ Thanh Uyên - đại sứ nền tảng cộng đồng phụ nữ Money With Mina chuyên về tài chính và sự nghiệp - đưa ra lời khuyên về việc này.
Người trẻ thường phân vân giữa việc nên mua nhà trả góp hay thuê nhà (Ảnh minh họa: Pinterest).
Theo chị, nỗi phân vân của mọi người, trong đó có nhân vật Thu Thảo nói trên hợp lý ở hai khía cạnh. Thứ nhất, căn nhà là thứ có giá trị tương đối lớn, ngày càng tăng, không đơn giản là cân đường, hộp sữa nên không thể dễ dàng đưa ra quyết định mua. Thứ hai, ai cũng nên cân nhắc việc mua nhà để làm gì, mục đích bạn mua căn nhà đó chỉ để ở hay có ý định đầu tư.
Ngày nay, một bộ phận người trẻ cho rằng việc thuê nhà mang lại nhiều lợi ích hơn. Cụ thể, bạn sẽ có chỗ ở nhanh chóng, tiết kiệm khoản tiền tương đối lớn để dùng cho việc khác.
Nói về việc tại sao lại có sự so sánh giữa mua và thuê nhà, chị Thanh Uyên cho rằng việc này xứng đáng đưa ra để cân nhắc. Trước khi đưa ra quyết định, hãy nắm chắc những quy tắc dưới đây:
1. Nếu mua nhà trả góp, khoản gốc cộng khoản lãi nhỏ hơn 40% tổng thu nhập của bạn thì có khả năng, bạn sẽ "cân" được chi phí này. Ngược lại, nếu tiền gốc cộng tiền lãi lớn hơn 40% tổng thu nhập, bạn cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định.
2. Ngoài ra, nếu quyết định mua nhà, bạn có thể nghĩ đến yếu tố đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, nhà không phải kênh đầu tư duy nhất. Bạn có thể tìm kiếm nhiều kênh đầu tư khác có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng hơn.
3. Nếu bạn là một người am hiểu về thị trường bất động sản và kỷ luật với các khoản tiết kiệm, bạn có thể trả đúng hạn phần gốc, lãi, hãy chọn mua nhà trả góp.
4. Khi bạn xác định mua nhà trả góp, bạn phải trả trước 30% tiền mua, vì thế, đòi hỏi một số người phải tiết kiệm trong thời gian dài để có đủ tiền trả trước. Vậy bạn nên tự hỏi thêm khả năng tài chính của bạn có đủ 30% trả trước này hay không?
Chung Vũ Thanh Uyên - đại sứ nền tảng cộng đồng phụ nữ Money With Mina chuyên về tài chính và sự nghiệp (Ảnh: Thanh Uyên).
5. Tiếp đến, về lãi suất. Nếu quá cao, việc mua nhà trả góp sẽ trở nên đắt hơn thuê nhà. Do vậy, nên tìm hiểu về lãi suất và ưu đãi từ ngân hàng hoặc công ty tài chính trước khi quyết định.
Bạn cũng nên ngồi xuống tính toán kỹ lưỡng số tiền gốc và lãi lẫn xem xét tài khả năng tài chính của mình. Nếu tiền gốc cộng tiền lãi nhỏ hơn 40% tổng thu nhập thì là tín hiệu tốt. Ngược lại, bạn đang chi trả quá khả năng thực tế.
6. Tiếp theo, mục tiêu tài chính cá nhân của bạn như thế nào? Quyết định mua nhà hay thuê nhà cần dựa trên tình hình tài chính cá nhân, mục tiêu và ưu tiên của bạn. Giá trị ngôi nhà không nên vượt quá 5 lần thu nhập hàng năm. Hãy nghiêm túc trong việc chi tiêu, tiết kiệm để giảm bớt áp lực và nguy cơ vỡ nợ.
7. Ngoài ra, tình hình thị trường bất động sản trong khu vực là điều cần quan tâm vì liên quan trực tiếp đến giá mua, chênh lệch giá và giá có thể bán sau này (nếu muốn). Đừng quên chuẩn bị sẵn tinh thần với các chi phí như thuế, bảo hiểm, sửa chữa và bảo dưỡng khi mua nhà. Nếu lựa chọn thuê nhà, bạn sẽ không phải lo lắng về việc này.
8. Nếu quyết định thuê nhà, bạn hãy trả lời câu hỏi mình có kỹ năng đầu tư, nắm bắt thời cơ tốt hay không. Nếu chỉ thuê nhà và để một khoản tiền dư, bạn có biết cách biến số tiền đó thành khoản đầu tư giúp tăng trưởng tài sản hay không. Nếu có, thuê nhà là hợp lý.
9. Hãy cân nhắc không nên chi quá 25-30% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà. Đừng quên lên kế hoạch tài chính kỹ lưỡng bởi khi thuê nhà, đồng nghĩa với việc bạn không có tài sản để sinh ra nguồn thu nhập thụ động tiềm năng như tiền cho thuê, chia mặt bằng, chia chỗ ở. Với trường hợp này, bạn cần có nhiều tiền hơn để an tâm tài chính.