416.000 là số lượt khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai chỉ trong quý I, bằng 55,6% tổng lượng khách từ chiều bên ta sang địa phận nước bạn trong cả năm 2023.
Đáng chú ý, vào dịp lễ 30/4-1/5, du khách Việt xuất cảnh sang Trung Quốc tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê từ lực lượng chức năng biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Tình cảnh ùn ứ hay du khách phải xếp hạng đợi làm thủ tục nhập cảnh vào Hà Khẩu (Trung Quốc) đến 5 tiếng đồng hồ vào tháng 12/2023 một lần nữa lặp lại vào dịp nghỉ lễ vừa qua. Hàng nghìn du khách đội cái nắng 30 độ C, chen chúc nhau tại cửa khẩu mong đến lượt sang nước bạn vi vu vào ngày đầu nghỉ lễ (27/4).
Theo đại diện một số đơn vị lữ hành chuyên khai thác tour Trung Quốc, lượng khách mua tuyến du lịch đường bộ này tăng phi mã vào đầu năm 2024 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong dịp cao điểm hè sắp tới.
Song, không phải tour đi Trung Quốc từ cửa khẩu nào cũng đông nghịt khách như tại Lào Cai.
Tour từ cửa khẩu Lào Cai chiếm ưu thế
Sức nóng của tour du lịch Trung Quốc bằng đường bộ thể hiện rõ nét nhất qua thống kê lượng khách dịp 30/4-1/5 từ các đơn vị lữ hành.
Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Alibaba Việt Nam (Alibaba Tours), đơn vị khai thác tour, tuyến Trung Quốc cả 2 hình thức đường bay và đường bộ từ năm 2016, cho biết lượng khách đi Trung Quốc đường bộ qua cửa khẩu Hà Khẩu trong đầu năm 2024 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách mua tour tại đây đa phần đến từ các tỉnh, thành phía Bắc, xuất phát từ Hà Nội.
Trước đại dịch covid-19, tour đi Phượng Hoàng cổ trấn bằng đường bộ hút đông đảo khách Việt, theo bà Thu từ Alibaba Tours. Ảnh: Duy Hiệu.
Vào sát kỳ nghỉ lễ, Công ty Du lịch BestPrice (mở bán tour từ tháng 3/2023) cũng kín chỗ ở các tour đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Khách chủ yếu sống tại Hà Nội, Hải Phòng, theo bà Nguyễn Trang - trưởng phòng Kinh doanh đơn vị này.
Riêng phía công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt, tuyến tương tự của đơn vị tăng lên gần 50% so với dịp lễ 30/4-1/5 năm ngoái.
Hiện các đơn vị lữ hành chủ yếu khai thác tour đường bộ đến Trung Quốc qua 4 cửa khẩu: Lào Cai, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Giai đoạn trước dịch Covid-19, tour đi Nam Ninh từ cửa khẩu Hữu Nghị là tuyến du lịch yêu thích của khách Việt.
Tuy nhiên, thị hiếu của du khách bắt đầu thay đổi qua từng năm. Vì vậy, bản đồ du lịch Trung Quốc bằng đường bộ cũng khác so với những năm trước đó.
Các tuyến qua cửa khẩu Lào Cai như Hà Khẩu - Bình Biên - Mông Tự - Kiến Thủy - Di Lặc, Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Shangri-La, châu Hồng Hà... mới là tour hút khách bậc nhất năm 2024.
Chiều Dương Lâu, nằm bên cạnh Thành cổ Kiến Thủy. Ảnh: @_im.rot_.
"Thời điểm trước dịch Covid-19, khách quan tâm nhiều hơn đến các tuyến tour đường bộ theo hướng qua cửa khẩu Hữu Nghị như Nam Ninh - Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn hay Nam Ninh - Quế Lâm - Quảng Châu - Thâm Quyến. Sau dịch, các tuyến tour qua cửa khẩu Hà Khẩu lại bùng nổ và phát triển mạnh mẽ ví như các tour ngắn ngày đến châu Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc)", bà Thu từ Alibaba Tours nhận định.
Lý giải cho sự thay đổi này, bà Thu cho biết hành trình khám phá từ cửa khẩu Hữu Nghị lại không ghi nhận sự tăng trưởng trong năm nay do tuyến đi Phượng Hoàng cổ trấn (tour phổ biến nhất) bị dừng chuyến tàu hỏa nội địa, dẫn đến việc di chuyển không còn thuận lợi như trước đó.
Vào kỳ nghỉ hè sắp tới, theo dự đoán từ đại diện các đơn vị lữ hành nói trên, tour du lịch sang Trung Quốc bằng đường bộ sẽ tiếp tục "hot", đặc biệt là chùm tour có giá dưới 10 triệu đồng.
Lý do hút khách
Đối với hình thức tour đường bộ thông qua cửa khẩu, ăn uống, lưu trú chiếm phần lớn trên tổng chi phí tour. Lợi nhất là về mặt chi phí và thời gian di chuyển, đặc biệt trong bối cảnh vé máy bay tăng cao như hiện nay.
Cụ thể, du khách từ Hà Nội đến Lào Cai khá thuận lợi, mất khoảng 3,5 tiếng, nhờ có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Phí làm giấy thông hành sang Trung Quốc cũng phải chăng, với 50.000 đồng/người, theo quy định về lệ phí trong xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam của Bộ Tài chính.
Theo khảo sát của Znews, giá một tour đi Trung Quốc bằng đường bộ dao động 3,9-14,5 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian lưu trú và lịch trình.
Theo một số đơn vị lữ hành, tour du lịch vào Hà Khẩu, Trung Quốc hút khách nhờ cảnh quan nơi đây thân thuộc với người trẻ Việt. Ảnh: @yviinie_, @minhlagrin.
Lý do thứ hai phải kể đến cảnh quan tại nước bạn. Theo ông Vũ từ Du lịch Việt, Trung Quốc có diện tích rộng, thiên nhiên hùng vỹ, văn hóa lịch sử gần gũi với du khách Việt Nam bởi nhiều cảnh quen thuộc thông qua màn ảnh.
Đồng quan điểm, bà Thu từ Alibaba Tours cho rằng hạ tầng giao thông phát triển giúp khách đi lại dễ dàng, thuận tiện. Từ đó, nâng cao trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, phong cảnh đẹp của nước láng giềng cho du khách. Quan trọng là chi phí hợp lý.
"Do năm nay giá vé máy bay trong nước tăng cao, lựa chọn đi nước ngoài với giá rẻ được nhiều khách hàng ưu tiên", vị Giám đốc Alibaba Tours chia sẻ với Znews.
Tuy nhiên, quá trình nhập cảnh vất vả, khách chờ đợi lâu, lả người vì cái nắng, một số du khách không khỏi than thở vào đợt lễ cao điểm vừa rồi. Đây cũng là hiện trạng khiến doanh nghiệp lữ hành đau đầu mỗi mùa cao điểm.
Ùn ứ khách ở cửa khẩu, lữ hành giải quyết sao?
Khi được Znews hỏi về kế hoạch đẩy lùi vấn đề trên, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Du Lịch Việt, cho biết không chỉ riêng khu vực cửa khẩu, một số điểm tham quan tại Trung Quốc trong lịch trình cũng xảy ra hiện tượng kẹt cứng khách. Việc giải quyết đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều phía.
"Hiện tại, đối với đoàn xe, chúng tôi triển khai phương án cho đoàn đi lệch giờ, có thể sớm hoặc trễ hơn giờ thông thường để tránh kẹt ở cửa khẩu lâu. Còn điểm đến trên hành trình, chúng tôi có thể đảo vị trí các điểm tham quan lân cận. Bên cạnh đó, phòng điều hành sẽ phải liên tục cập nhật thông tin từ các nơi", ông Vũ nói.
Tại BestPrice, đơn vị khuyến nghị du khách chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết như ô, mũ, nước uống hoặc đồ ăn nhẹ để ứng phó với cảnh ùn ứ khách trong thời tiết nắng nóng.
Về vấn đề thủ tục, du khách đi du lịch Trung Quốc buộc phải sử dụng sổ thông hành. "Không có sự ưu tiên đặc biệt cho việc nhập cảnh bằng visa có hộ chiếu so với sổ thông hành. Cửa khẩu có quy trình làm việc riêng. Du khách nhập cảnh tại cửa khẩu thường không có visa do chi phí xin thị thực ngang ngửa chi phí tour đường bộ", bà Trang từ BestPrice chia sẻ về cách thức di chuyển qua cửa khẩu.
Ngoài ra, hiện việc làm thủ tục thông quan có phần "dễ thở" hơn, giảm bớt cảnh chờ đợi cho du khách khi phía Hà Khẩu cho vận hành thử Nhà kiểm soát liên ngành cửa khẩu đường bộ Hà Khẩu sông Nậm Thi (Trung Quốc) từ 2/5, theo Giám đốc Alibaba Tours.