Dạo quanh chợ mạng hoặc gõ từ khóa tìm kiếm “tôm hùm đất”, người tiêu dùng sẽ thấy hàng loạt địa chỉ rao bán loại tôm này với hàng trăm lượt bình luận, đặt hàng dưới mỗi bài quảng cáo bán hàng.
“Tôm hùm đất – Crawfish, hàng đông lạnh nhập khẩu chỉ 310.000 đồng/kg loại 30-35 con/kg; 300.000 đồng/kg loại 40-45 con/kg. Thịt tôm dai ngọt, phần gạch ở đầu béo ngậy. Đặc biệt ngon khi chế biến các món sốt bơ tỏi, cháy tỏi, hấp. Ăn kèm nước chấm hải sản,muối ớt tiêu chanh để tặng độ ngon của tôm”, một địa chỉ tại Sài Gòn quảng cáo.
Tôm hùm đất chế biến sẵn được rao bán trên chợ online với giá chỉ 170.000 đồng/hộp. (Ảnh chụp màn hình).
Ngoài tôm hùm đất đông lạnh, loại tôm đã chế biến sẵn cũng được rao bán với giá chỉ 170.000 đồng/hộp. “Hàng nội địa Trung Quốc nhé các chị. Trước em bán 1kg tôm sống mà cũng 200.000 đồng/kg rồi. Hộp này chế biến hết rồi, chỉ việc mua về bóc ra là ăn thôi. Mỗi hộp nặng 1,3kg, thứ 6 em lại về 50 hộp nữa, bác nào lấy báo em luôn nha”, một tài khoản có tên P.T rao.
Trong vai một người mua tôm hùm đất, PV gọi điện theo số điện thoại đăng tải dưới bài viết rao bán tôm hùm đất đang sống khỏe tại Sài Gòn. Người này cho biết, tôm hùm đất được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, hàng tươi sống có giá 500.000 đồng/kg. Nếu muốn đặt chỉ cần báo trước 2 ngày, ở Hà Nội có thể nhận hàng trực tiếp tại sân bay với điều kiện mua 1 thùng 20kg trở lên.
Thậm chí hàng tươi sống cũng được rao bán công khai. (Ảnh chụp màn hình).
Không chỉ vậy, hàng loạt các nhà hàng cũng thêm món tôm hùm đất vào danh mục các món phục vụ khách tại chỗ. Đơn cử như nhà hàng có địa chỉ ở An Hòa (Ninh Kiều, Cần Thơ) với món tôm hùm đất sốt Cajun và tôm hùm đất sốt trứng muối; Hay nhà hàng ở Đặng Văn Ngữ (Đống Đa, Hà Nội) với các set tôm hùm đất sốt Sing, sốt Tứ Xuyên, sốt bơ tỏi kèm ngô, khoai và bánh mỳ chỉ từ 200.000 đồng; Một nhà hàng khác tại Hòn Gai (Quảng Ninh) với món lẩu tự sôi tôm hùm đất…
Theo các chuyên gia thì tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp bởi tập tính sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối và chuyên hoạt động về đêm. Thức ăn chủ yếu của loại tôm nay là rau quả, cỏ non, rong, tảo, sinh vật đáy cỡ nhỏ… chúng vừa phá hoại lúa, tiêu diệt tôm bản địa vừa là nguồn gây bệnh cho các loại sinh vật khác.
Nhiều người còn công khai số lượng lớn tôm hùm đất nhập về.
Với khả năng tái sinh lại chân hay càng cùng với tuổi thọ có thể lên tới 30 năm, tôm hùm đất được coi là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, do đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loại tôm này là vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Vào ngày 20/05/2019, Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc gửi đi các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ, tên khoa học Cherax quadricarinatus).
Theo các chuyên gia thì tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp.
Do đó, loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, GĐ Công ty Luật Link & Partners thì tôm hùm đất nằm trong danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại không được phép nhập khẩu lại vừa không nằm trong danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn của các Bộ ban ngành liên quan đều khẳng định việc kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất là trái quy định pháp luật không phân biệt là sống hay đông lạnh.
Việc kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất là trái quy định pháp luật không phân biệt là sống hay đông lạnh.
“Căn cứ Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về Vi phạm quy định về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản thì: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…”, bà Linh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Linh, căn cứ theo Khoản 7 Điều 43 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại thì có thể bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20 triệu đồng và cao nhất lên đến 1 tỷ đồng đối với hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại có giá trị từ dưới 10 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng; Hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.