Việc bổ sung ông Trần Hoàng Ngân đưa số thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lên 16 người.
"Cảm thấy vui, vinh dự nhưng cũng cảm nhận về trách nhiệm"
Ông Trần Hoàng Ngân cho biết ông cũng vừa biết thông tin. "Tôi cảm thấy rất vui, vinh dự, nhưng bên cạnh đó cũng cảm nhận về trách nhiệm của mình. Khi biết tin thì ngay trong đầu tôi đã suy nghĩ cần phải làm gì, có chính sách gì để tư vấn cùng Chính phủ giúp cho kinh tế tăng trưởng bền vững", ông Ngân cho biết.
Trước khi trở thành một thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Trần Hoàng Ngân cũng có hàng chục năm là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Ông cho biết ở cương vị nào, ông cũng luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để hạn chế bớt thách thức, khó khăn, giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế.
"Tôi nghĩ nhiều nhất về việc kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Điểm sáng của nền kinh tế là xuất khẩu tăng trưởng nhanh, kinh tế xuất siêu 2,8 tỷ USD có phần đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài, vậy làm thế nào để có thể kết nối hai khối, vừa có lợi cho cái chung", ông bày tỏ.
Vấn đề khác, theo ông, là thị trường chứng khoán đang tăng trưởng, làm thế nào để tận dụng được cơ hội này, xử lý doanh nghiệp yếu kém, sớm giải quyết điểm nghẽn.
Ông Trần Hoàng Ngân là ai?
Ông Trần Hoàng Ngân sinh ngày 26/10/1964 tại xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Ông Ngân là giảng viên bộ môn ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 1996 được bổ nhiệm là Phó trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp - Kinh doanh tiền tệ, sau đó là Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM.
Năm 2002, ông được phong hàm Phó giáo sư. Năm 2015, ông là Hiệu trưởng Đại học tài chính Marketing. Đến năm 2016 được bổ nhiệm là Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM.
Năm 2015 ông cũng trúng cử Thành ủy viên Thành ủy TP.HCM. Ông từng là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (2007-2015). Ông Ngân cũng là đại biểu Quốc hội khóa 13 và 14 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
|
Ông Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thắng Quang.Nhiệm vụ Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. |
Các thành viên của tổ tư vấn sẽ phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề ra các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế. Họ cũng có thể khuyến nghị với Thủ tướng các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi. Ngoài ra, 15 thành viên có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Các chuyên gia kinh tế của tổ tư vấn có thể khuyến nghị với Thủ tướng các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Họ còn tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổ tư vấn cũng có thể chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu, có quyền đề nghị các đơn vị trên cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu. Họ cũng được hợp tác với các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế…
Các thành viên của tổ tư vấn kinh tế sẽ được mời tham dự các hội nghị, cuộc họp, làm việc của Chính phủ có nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập tổ tư vấn kinh tế với 15 thành viên ban đầu là nhiều chuyên gia có uy tín.
Các thành viên bao gồm:
- TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia được bổ nhiệm làm tổ trưởng tổ tư vấn.
- PGS, TS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ).
- TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam.
- TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch ủy ban chứng khoán Nhà nước.
- TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.
- GS. TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân.
- GS. TS. Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc, Trưởng khoa tài chính, Học viện quản lý và quản trị kinh doanh (Pháp).
- PGS. TS. Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore.
- TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM.
- TS. Trương Văn Phước, Quyền chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia.
- GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.
- GS. TS. Trần Văn Thọ, Đại học Wasada (Nhật Bản).
- GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.