Cựu chiến binh kiếm hàng trăm triệu mỗi năm từ nghề trồng nấm
Cựu chiến binh Huỳnh Công Phượng (trú thôn Tú Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình) đã gắn bó với nghề trồng nấm gần chục năm nay, ban đầu ông trồng nấm rơm, nấm sò trắng rồi đến nấm sò tím và gần đây nhất là nấm linh chi. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất ra hơn 17 tấn nấm các loại, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.
|
Mô hình trồng nấm linh chi của ông Phượng. |
Để nâng cao hiệu quả và cải tiến sản xuất, ông đầu tư gần 200 triệu đồng sắm sửa trang thiết bị để việc sản xuất an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nhân công. Hiện hai nhà nuôi trồng nấm (mỗi cơ sở chừng 500m2), có máy hấp tiệt trùng, có hệ thống nước giữ ẩm cho nhà nuôi trồng, xe vận chuyển nguyên liệu cũng như sản phẩm thu hoạch giúp ông rút ngắn thời gian vận chuyển.
Nguyên liệu sản xuất nấm là mùn cưa, mùn cây cao su được ông nhập về từ Gia Lai với số lượng lớn. Nguyên liệu sau khi trồng sò tím được tái sử dụng để sản xuất nấm rơm nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Mùa nấm sò thuận lợi nhất là mùa mưa và thời điểm khí trời mát mẻ, từ tháng 8 năm trước tới tháng 3 năm sau.
Kỹ sư điện kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng nấm
Có bằng kỹ sư điện nhưng vì đam mê nông nghiệp mà anh Ngô Xuân Điền (29 tuổi, ngụ P.Trà An, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ) lập trang trại trồng nấm cho thu nhập mỗi năm hơn nửa tỉ đồng.
|
Anh Điền bên sản phẩm nấm sắp cho thu hoạch. |
Anh Điền tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu từ mùn cưa cao su để trồng nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ, tiếp đó tận dụng các phôi thải này trồng nấm hoàng đế, nấm rơm. Nguyên liệu sau 2 lần làm phôi nấm được anh tận dụng làm phân vi sinh kết hợp nuôi trùng quế, sau đó có thể dùng làm phân bón cho cây trồng.
Giờ đây, khi đã nắm vững kỹ thuật cũng như có đầu ra ổn định, anh Điền đầu tư nâng cấp trang trại theo quy trình trồng nấm khép kín. Trung bình mỗi trại được đầu tư khoảng 200 triệu đồng, có người phụ trách riêng, còn anh chịu trách nhiệm chung và quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm.
Theo anh Điền, nấm linh chi thường được bán ký nhưng điều này không hợp lý, vì người tiêu dùng rất e dè khi phải bỏ ra tiền triệu mua 1 kg nấm, dẫn đến số lượng người tiếp cận với sản phẩm rất ít. Và từ đó, anh chia sản phẩm ra bịch có trọng lượng 100 gr, giá bán chỉ 100.000 đồng và hướng dẫn cách sử dụng. Cách làm này giúp nấm linh chi của anh đến tay nhiều đối tượng khách hàng.
Thu nhập nửa tỷ mỗi năm nhờ nấm linh chi
Sau nhiều lần lặn lội ra Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm ở Hà Nội học hỏi, năm 2012, anh Lê Giang Phong trở thành nông dân đầu tiên của Quảng Ngãi trồng thành công nấm linh chi.
Không chỉ trồng nấm chữa bệnh thiếu máu cơ tim và gan nhiễm mỡ cho mình, anh còn cùng nhiều nông dân khác thành lập Hợp tác xã nấm đầu tiên ở Quảng Ngãi.
|
Anh Phong bên mô hình trồng nấm của mình. |
Hợp tác xã nấm Đức Nhuận do anh Phong làm Chủ nhiệm không ngừng mở rộng diện tích, tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương. Tin tưởng mô hình trồng nấm của anh Phong, năm 2011, Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Ngãi đã tài trợ dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu với lô thiết bị trị giá 1,1 tỷ đồng.
Dây chuyền thiết bị sản xuất nấm có đầy đủ hệ thống trộn bột cưa, lò hơi hấp, sấy nấm, tủ bảo ôn bảo quản giống... có thể đạt năng suất thiết kế 5 tấn nguyên liệu để sản xuất 5.000 phôi nấm mỗi ngày.
Anh Phong nhẩm tính trung bình mỗi tháng Hợp tác xã bán ra thị trường 60 tấn nấm bào ngư, 3 tấn nấm linh chi ra thị trường các tỉnh miền Trung đạt doanh thu hơn 3,3 tỷ đồng.
Theo anh Phong, hàng tháng, Hợp tác xã mua mùn cưa về phối trộn với chất dinh dưỡng, cám, bột bắp, vôi... đem ủ. Sau đó, người lao động đóng gói đưa vào hệ thống thiết bị hấp thanh trùng suốt 12 giờ; tiếp theo cấy bào tử (giống) vào để 30 ngày cho phôi trắng đều mới chuyển ra trại.
Anh cho hay tùy theo loại, sau 15 ngày gói phôi mang ra trại thì nấm sò cho thu hoạch, còn nấm linh chi đến 3 tháng mới cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Phong xuất bán ra thị trường 30 tấn nấm bào ngư và 2 tấn linh chi, doanh thu 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 500 triệu đồng.