Đã có khoảng 4 đợt mất giá mạnh của thị trường tiền điện tử kể từ đầu năm 2018 tới nay, tần suất cao hơn hẳn so với nửa cuối năm 2017. Điều đặc biệt là tính chất của những đợt bão giá trong năm 2018 lại không giống như từng xảy trước đó.
Năm 2017, mỗi lần thị trường mất giá mạnh đều bật tăng trở lại, thậm chí mạnh hơn. Lý do là thời điểm thị trường mất giá cũng chính là khi những nhà đầu tư lạc quan mua vào mạnh, tạo đà phục hồi cho thị trường.
|
Những ngày đỏ sàn 2 con số phần trăm đã không còn là cảnh xa lạ với những nhà đầu tư tiền ảo. Ảnh: Coinmarketcap. |
Tuy nhiên sau cả 4 đợt mất giá đầu năm 2018, vốn hóa toàn thị trường tiền ảo không bật tăng sau mỗi lần "đỏ sàn" mà chỉ phục hồi nhẹ, thậm chí không thể phục hồi lại mức trước bão giá.
Đây là nguyên nhân khiến tổng vốn hóa tiền điện tử từ mức 763 tỷ USD ngày 6/1 sau một tháng chỉ còn lại 390 tỷ USD ngày 5/2. Toàn thị trường mất 370 tỷ USD, tương đương 51% tổng vốn hóa thị trường chỉ sau 10 ngày, một con số kỷ lục.
Chỉ có 2 trong số 4 đợt bão giá mạnh, thị trường tiền điện tử phục hồi được về ngang mức trước bão. Điển hình nhất là vào ngày 2/2, theo số liệu từ Coinmarketcap, khi thị trường ghi nhận mức vốn hóa giảm từ 466 tỷ USD xuống còn 348 tỷ USD chỉ trong 1 ngày và tới ngày 5/2 vẫn chỉ có thể phục hồi về mức 390 tỷ USD, kém mức trước bão 76 tỷ USD.
Đà phục hồi không còn khiến các đồng tiền điện tử lớn mất giá thảm sau 4 lần bão giá. Bitcoin từ mức giá 17.300 USD một đơn vị ngày 6/1 mất giá chỉ còn 8.100 USD một đơn vị ngày 5/2, giảm 56% giá trị chỉ sau một tháng do bốc hơi 151 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Ripple cũng chịu mức mất giá "khủng" khi rơi từ 3,35 USD một đơn vị ngày 6/1 xuống còn 0,85 USD một đơn vị ngày 5/2, giảm 75% giá trị sau 1 tháng.
Ethereum dù từng có cú lội ngược dòng ngoạn mục, tăng trưởng hai con số trong bão giá cũng đã phải đi theo xu thế chung cả thị trường. Mỗi đơn vị Ethereum giảm từ khoảng 1.000 USD một đơn vị ngày 6/1 xuống còn 852 USD một đơn vị ngày 5/2, mất 15% giá trị sau một tháng.
Theo nhiều nhà đầu tư Việt, quy luật cứ bão giá là mua vào đã không còn có thể áp dụng cho năm 2018.
"Năm 2017 cứ khi nào thị trường mất giá mạnh là mình mua vào để chờ giá lên và lãi đậm nhiều lần. Tuy nhiên đầu năm 2018 thị trường không còn dễ đoán như trước nên tài sản mình cũng bốc hơi một lượng đáng kể", một nhà đầu tư ưa thích hai đồng tiền thuật toán là Ripple và IOTA nhận định.
Giới phân tích thị trường tiền thuật toán nhận định, những nguyên nhân được cho là khiến thị trường mất giá mạnh gần đây đều là những thông tin yếu, không thể ảnh hưởng mạnh tới thị trường như vừa qua. Điển hình là thông tin Ấn Độ mạnh tay với tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin được cho là nguyên nhân khiến giá Bitcoin giảm mạnh, trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 1% lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu.