Tích trữ vàng trong gia đình: Rủi ro lớn, lãng phí nhiều

Google News

49 cây vàng, thậm chí 65 hay 70 lượng vàng “không cánh mà bay” như những trường hợp xảy ra là minh chứng cho thấy, tình trạng tích trữ vàng tại gia đình của người dân - nhất là người dân nông thôn, vẫn còn hiện hữu.

Điều này không chỉ là rủi ro cho người dân mà còn là sự lãng phí một nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Phút chốc mất tiền tỷ
Sáng 28.2, bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho hay, xã nhận được trình báo của một người dân ở địa phương về việc gia đình này mất trộm 49 cây vàng (trị giá hơn 1,8 tỷ đồng). Gia đình trình báo bị mất trộm vàng là bà Trần Thị Hạnh (trú thôn An Bằng, xã Đại Thạnh). Được biết, vợ chồng bà Hạnh làm nghề buôn lúa gạo và có 2 người con trai đã lớn.
Theo thông tin ban đầu, vào chiều 27.2, bà Hạnh đi làm về thì tá hoả phát hiện đống lúa ở nhà dưới bị xới tung tóe, rơi vãi. Tiến hành kiểm tra, bà Hạnh phát hiện 49 cây vàng mà bà cất giấu dưới đống lúa đã “không cánh mà bay”.
Ngay sau đó, bà Hạnh đã đến UBND xã Đại Thạnh trình báo. Chiều cùng ngày, Công an huyện Đại Lộc đã có mặt tại nhà nạn nhân để tiến hành khám nghiệm hiện trường và khai thác thông tin ban đầu.
Tich tru vang trong gia dinh: Rui ro lon, lang phi nhieu
Hiện trường vụ mất trộm 49 cây vàng ở hộ dân tại xã Đại Thạnh (Đại Lộc, Quảng Nam). Ảnh: T.H 
Ông Nguyễn Xuân Thạn - Bí thư kiêm Trưởng thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, cho biết, vụ mất 49 cây vàng của bà Trần Thị Hạnh đã gây xôn xao cả xóm làng, đi đến đâu người dân cũng bàn tán chuyện mất số lượng vàng "khủng" như vậy. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho nhiều người dân. Qua khám nghiệm hiện trường và lời khai của bà Trần Thị Hạnh, vụ mất trộm chỉ diễn ra trong khoảng 2 giờ, trong thời gian bà Hạnh mang gạo ra chợ bán.
Trước đó, vào cuối năm 2018, người phụ nữ 40 tuổi ngụ huyện Long Hồ (Vĩnh Long) trình báo kẻ gian đột nhập nhà lấy trộm 50 lượng vàng 24K, 26 lượng vàng 18K cùng số tiền 3,2 tỷ đồng. Kẻ trộm lợi dụng gia đình đi vắng, đột nhập từ phía sau, cạy cửa vào bên trong trộm số tài sản trên cho dù ngôi nhà này có tới 6 camera an ninh.
Không chỉ với người nông dân, việc vàng “không cánh mà bay” còn xảy ra ngay cả với những cán bộ, lãnh đạo cơ quan ở các tỉnh, thành phố. Đơn cử như năm 2013, gia đình ông Đặng Xuân Thọ - nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum tại TP.Pleiku (Gia Lai) đã bị trộm đột nhập, cuỗm đi 65 lượng vàng (gần 2,8 tỷ đồng) khi cả gia đình ông Thọ đang đi du lịch. Đến tháng 7.2014, 4 tên đạo chích gây ra vụ trộm tại nhà ông Thọ đã bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt tổng cộng gần 72 năm tù.
Cùng thời điểm, hơn 2 tỷ trong nhà một cán bộ tỉnh Nghệ An "bay hơi". Trong 2 tỷ đồng bị kẻ gian cạy tủ, két sắt lấy mất, chỉ có 60 triệu đồng tiền mặt, còn lại có tới 57 lượng vàng. Hay như năm 2014, một cựu giám đốc Sở GTVT Bắc Kạn bị trộm số tài sản trị giá khoảng 1,2 tỷ, gồm 5 cây vàng SJC, 40.000 USD, 1 lắc tay, 2 nhẫn cưới... Công an sau đó đã thu giữ được 5 lượng vàng SJC cùng 31.000USD.
Tích trữ vàng - Lợi ít hại nhiều
Tâm lý xem vàng là một loại tài sản có tính tiết kiệm, đầu tư vẫn còn phổ biến tại Việt Nam. Tính về số lượng, vàng miếng và tiền vàng vẫn chiếm tới 70% tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới năm 2017, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về lượng tiêu thụ vàng trên đầu người.
Nhìn nhận về thói quan tích trữ vàng của người dân, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tích trữ vàng trong dân là “thói quen” khó bỏ đối với người dân Việt Nam bởi vàng vẫn được xem là một tài sản an toàn.
Nêu quan điểm về lợi ích mang lại từ “thói quen” tích trữ vàng trong dân, chuyên gia kinh tế Phạm Quốc Khánh cho rằng, khi người dân tích trữ vàng, họ sẽ cảm thấy yên tâm bởi có một nguồn dự phòng rủi ro trong cuộc sống. Do đó, tâm lý của họ cũng sẽ ổn định, kéo theo sẽ là sự ổn định về an sinh xã hội. Bản thân nền kinh tế cũng sẽ có những thuận lợi...
Tuy nhiên, lợi một thì hạn chế phải gấp 2, 3 lần mặt lợi. Về giác độ quốc gia, ông Khánh phân tích: “Vàng có giá trị quan trọng gần như 1 tài sản có khả năng chuyển đổi trong bất cứ nền kinh tế nào kể cả thị trường và phi thị trường. Do đó, ở các quốc gia khác, kể cả các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc, họ khai thác vàng để chuyển đổi thành các công cụ tài sản khác phục vụ cho đầu tư và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tài sản dưới dạng vàng tồn tại trong dân rất lớn và không huy động được. Điều này làm lãng phí nguồn lực trong việc sử dụng vàng như 1 công cụ chuyển đổi sang công cụ đầu tư khác’’.
Ngoài ra, theo ông Khánh, nguồn vàng trong dân nếu huy động được sẽ là nguồn lực quan trọng đảm bảo cho các giao dịch kinh tế, thu hút đầu tư và môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đó, đảm bảo cho sự ổn định về kinh tế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện tại môi trường kinh doanh Việt Nam đang rất tốt nên nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp ngày càng cao. Thực tế, việc tiếp cận các nguồn vốn phát triển cho các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn nhưng lại không huy động được nguồn vốn từ vàng trong dân.
Đặc biệt, tích trữ vàng, người dân không chỉ mất chi phí bảo quản tài sản mà còn phải chấp nhận rằng tài sản không sinh lời, không chịu giá trị gia tăng do không được đưa vào hoạt động hoặc chuyển đổi sang các tài sản đầu tư khác. Thậm chí, người dân phải chấp nhập “rủi ro” mất mát như những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua.
“Nếu trong nhà có tài sản không bảo quản cận thận thì biết làm thế nào? Có thể là mất vàng, mất USD và mất tiền nếu như không cẩn thận. Trong bất kỳ trường hợp nào đều phải cẩn thận. Đó là những bài học kinh nghiệm cho những người thích tích trữ vàng. Thay vì cất giữ, người dân cần nghĩ đến đầu tư khác cho hiệu quả như quy đổi ra tiền hay đầu tư các lĩnh vực khác, vừa an toàn vừa có lợi” - một chuyên gia kinh tế cho hay.
Ông Nguyễn Đức Độ - Viện phó viện kinh tế tài chính IEF, Học viện Tài chính:
Khó thay đổi thói quen của người dân
Rất khó nói đến chuyện huy động vàng trong dân. Khó khăn đầu tiên và cốt lõi của vấn đề này là làm sao thay đổi được tâm lý coi vàng là tài sản an toàn có thể sử dụng trong mọi thời điểm trong dân chúng.
Những năm cách đây khoảng 10 năm, lạm phát cao, bây giờ lạm phát thấp rồi nhưng có thể niềm tin của người dân vào tiền đồng và nền kinh tế tăng nhưng chưa nhiều nên họ vẫn tích trữ vàng.
Ngay cả một vài ngân hàng trung ương quốc tế cũng đều có một tỷ lệ nào đó trong tài sản dự trữ quốc gia là vàng, nên rút vàng dưới “gối đầu giường” của người dân Việt Nam không phải chuyện dễ dàng.
Ông Phạm Quốc Khánh - Chuyên gia kinh tế:
Tính toán kỹ giải pháp huy động
Câu chuyện huy động vàng trong dân được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay và ngày càng nóng. Song, đó là bài toán khó có lời giải. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng cho các ngân hàng thương mại huy động vàng, sau đó bộc lộ nhiều bất cập như tình trạng đầu cơ dẫn đến nhiều đợt biến động tỷ giá USD và vàng, nhiều ngân hàng và cá nhân đã thua lỗ lớn do kinh doanh vàng. Đây rõ ràng là bài học lớn khi lựa chọn giải pháp huy động vàng trong dân. Muốn huy được nguồn lực cần phải tính toán kỹ làm sao hài hòa được lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Ngoài ra, việc người dân tích trữ vàng cũng là vì không có cái gì khác để dự phòng rủi ro. Vì vậy, mấu chốt là phải có công cụ hay biện pháp nào để thay thế công cụ này hay chưa?
Từ năm 2011-2013, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Các ngân hàng thương mại không được phép huy động vàng, chỉ được giữ hộ vàng và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ. NHNN đánh giá, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Nguồn lực vàng trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)