Theo đó, cùng với việc phê duyệt khung chính sách bồi thường nói trên, Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện nội dung báo cáo và ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Dự án có diện tích đất thu hồi dự kiến lên tới 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha.
Toàn dự án có hơn 4.700 hộ bị ảnh hưởng, riêng giai đoạn 1 có gần 1.900 hộ và phần lớn diện tích đất giải tỏa khoảng trên 1.800 ha là đất trồng cao su do các DN quốc doanh quản lý.
Vị trí thực hiện dự án nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành). Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành cách trung tâm TPHCM 40 km, cách Biên Hoà 30 km.
Tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần và tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng bao gồm xây dựng hạ tầng khu tái định cư và khu nghĩa trang là khoảng 23.000 tỉ đồng.
Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án, mới đáp ứng 21,7% nhu cầu.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam với tổng công suất dự kiến 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.