Nhờ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng đang chạy đua để giúp khách hàng có thể giao dịch từ gửi tiền, cho vay online, mở thẻ... mọi lúc mọi nơi và không cần giấy tờ.
Thông tin trên báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nhiều ngân hàng đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng được tốt hơn. Thông qua việc định danh điện tử xác thực người dùng trên mạng, các ngân hàng có thể cho vay online, phát hành thẻ... nhanh nhất có thể khi có đầy đủ thông tin chính xác về khách hàng như nghề nghiệp, nơi ở, địa chỉ thường trú...
|
Nhờ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng đang chạy đua để giúp khách hàng có thể giao dịch từ gửi tiền, cho vay online, mở thẻ... mọi lúc mọi nơi và không cần giấy tờ. Ảnh minh họa: Internet.
|
Theo ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc Agribank, nhờ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng này dự kiến sẽ triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch trong tháng 6 này. Khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Các dịch vụ từ mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản... đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn.
Cũng theo ông Tơn, trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20 - 25 phút, nay khách hàng chỉ mất 4 - 5 phút để hoàn tất giao dịch. Hơn nữa, những khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, với những lần giao dịch sau tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... sẽ không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào. Thiết bị của ngân hàng sẽ nhận diện khách bằng khuôn mặt, vân tay... giúp ngân hàng nâng chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay việc kết nối giữa ngân hàng và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ hội cho các tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng điện tử. Với phương thức cấp tín dụng truyền thống, người vay phải mất nhiều thời gian để thu thập giấy tờ, nên có không ít người ngại vay vốn tín dụng mà lại tìm vay tín dụng "đen".
Theo bà Oanh, trong thực tế, thời gian qua một số ngân hàng đã cho vay online nhưng vẫn còn thận trọng do chưa có công cụ để định danh khách hàng một cách chính xác. Vấn đề thu hồi nợ còn nhiều khó khăn do dữ liệu khách hàng chưa được cập nhật. Do đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng cơ chế thẩm định phê duyệt tự động là cơ hội rất tốt cho các ngân hàng thương mại giải quyết các hạn chế nêu trên.
Trên cơ sở đồng ý của khách hàng, ngân hàng này đang thí điểm kết nối và nghiên cứu hai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một là xác thực định danh khách hàng qua VNeID. Hai là ứng dụng mô hình chấm điểm tín dụng công dân. Đây là cơ sở để Vietcombank tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản vay tiêu dùng nhỏ qua mạng.
Cùng với việc kết nối với nguồn dữ liệu khác như giao dịch của khách hàng, trả lương thông qua tài khoản tại ngân hàng, lịch sử tín dụng..., ngân hàng này cho vay, phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn qua mạng. Khách hàng không phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng và điền vào các hồ sơ/giấy tờ như trước đây nữa mà chỉ đăng nhập vào app của ngân hàng...
Điều kiện vay vốn ngân hàng:
Căn cứ Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp;
- Có phương án sử dụng vốn khả thi;
- Có khả năng tài chính để trả nợ;
- Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này (vay ngắn hạn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa…) thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Quy trình vay vốn ngân hàng bao gồm:
Bước 1: Làm việc và nhận tư vấn từ nhân viên tín dụng
Nhân viên tín dụng sẽ thu thập những thông tin cơ bản cho việc vay vốn từ khách hàng, bao gồm: Nhu cầu vay bao nhiêu tiền, mục đích vay tiêu dùng hay vay vốn kinh doanh, tài sản đảm bảo là gì, thu nhập của khách hàng là bao nhiêu?…
Bước 2: Chuẩn thị hồ sơ thủ tục cho việc vay vốn
Sau khi xác định những thông tin ban đầu, nhân viên tín dụng sẽ hướng dẫn bạn chuẩn bị hồ sơ vay. Mỗi ngân hàng sẽ cần chuẩn bị hồ sơ vay với những chi tiết khác nhau đáp ứng quy định đã đặt ra. Tuy nhiên, khách hàng cần cung cấp hồ sơ cơ bản sau: Hồ sơ pháp lý; hồ sơ tài chính; hồ sơ mục đích sử dụng vốn; hồ sơ tài sản đảm bảo.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ vay vốn
Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của ngân hàng, nhân viên tín dụng sẽ tiến hành thẩm định các loại giấy tờ, đối chiếu, xác minh thông tin để xem xét tính xác thực của hồ sơ cũng như xác định khách hàng có đủ điều kiện để vay vốn tại ngân hàng hay không.
Bước 4: Phê duyệt khoản vay và giải ngân
Sau khi hoàn tất thẩm định, nhân viên tín dụng sẽ lập các báo cáo đề xuất tín dụng và trình lên cấp trên để xin phê duyệt. Trong một số trường hợp đặc biệt (thường là những khoản vay số tiền lớn) sẽ có bộ phận thẩm định độc lập khác thẩm định lại hồ sơ của khách để bảo đảm tính minh bạch, khách quan.
Khi khoản vay được phê duyệt và có quyết định giải ngân, ngân hàng sẽ nhanh chóng thông báo cho bạn để đến nhận số tiền vay được xuất quỹ đã ký kết trên hợp đồng.
Bước 5: Ngân hàng giám sát tín dụng trong quá trình vay
Để đảm bảo hạn chế các rủi ro, trong quá trình sử dụng khoản vốn vay, nhân viên tín dụng sẽ thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn của bạn, tình trạng trả nợ qua các kỳ thanh toán, hiện trạng tài sản bảo đảm, tình hình tài chính của khách hàng… để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Bước 6: Hoàn tất khoản vay và thanh lý hợp đồng
Sau khi hoàn trả toàn bộ khoản vay cả gốc và lãi cho ngân hàng, ngân hàng sẽ thanh lý hợp đồng cho bạn. Nếu vay thế chấp thì sẽ giải chấp cho tài sản đem thế chấp và trao lại cho khách hàng, xóa đăng ký giao dịch đảm bảo. Khách hàng thanh toán trước hạn hoặc sau hạn vay sẽ phải nộp các loại phí phạt theo quy định của hợp đồng.