Thứ trưởng Công Thương làm Chủ tịch PVN kỳ vọng thay đổi gì?

Google News

(Kiến Thức) - Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch HĐTV PVN có thể được kỳ vọng về việc giải quyết dứt điểm lùm xùm xảy ra ở các đơn vị thành viên, hay kỳ vọng phát huy hơn đà tăng trưởng của PVN?

Dập tắt lùm xùm ở các công ty thành viên?
Ngày 16/11, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Thu truong Cong Thuong lam Chu tich PVN ky vong thay doi gi?
Thứ trưởng Công Thương làm Chủ tịch HĐTV PVN. 
PVN là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia trực thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc phát hiện, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam. Tư cách pháp nhân của PVN là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trụ sở của PVN đặt tại 18 phố Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội. Cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bao gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua tại các đơn vị thành viên của PVN đã vướng phải nhiều lùm xùm gây xôn xao dư luận, gây ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng của PVN. Đơn cử việc Tổng Công ty CP vận tải dầu khí (PVTrans) bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh, cơ quan Công an phát hiện PVTrans nhận tiền lãi ngoài của lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương.
Cụ thể, từ ngày 19/2/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an và PVN đã nhiều lần mời người đứng đơn tố cáo các vi phạm của ông Phạm Việt Anh - TGĐ PVTrans đến cung cấp tài liệu. Một trong những nội dung quan trọng mà PVN và cơ quan Công an hết sức quan tâm là việc PVTrans đã lập biên bản giao nộp “vật chứng” là 3,5 tỷ đồng tiền “chăm sóc khách hàng” của ngân hàng Oceanbank.
Thu truong Cong Thuong lam Chu tich PVN ky vong thay doi gi?-Hinh-2
  Biên bản làm việc của PVTrans về số tiền 3,5 tỷ đồng của Ngân hàng Đại dương bị “bỏ quên” tại PVTrans.
Ngoài ra, ông Phạm Việt Anh còn bị báo chí phanh phui việc kê khai tài sản không trung thực. Theo đó, gia đình TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh được cho là sở hữu khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng nhưng phần “kê khai tài sản” ông Phạm Việt Anh lại không trung thực khi khai tụt giá trị tài sản, thậm chí còn “quên” không đưa nhiều tài sản là bất động sản vào bản kê khai.
Đáng chú ý, người tố cáo còn gửi đơn tới cơ quan báo chí “tố” bà Phạm Thị Bình - Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy PVN vi phạm pháp luật khiếu nại tố cáo, có dấu hiệu bao che vi phạm của TGĐ PVTrans.
Thu truong Cong Thuong lam Chu tich PVN ky vong thay doi gi?-Hinh-3
Ông Lê Mạnh Hùng. 
Ngoài sự việc trên, trước đó, việc ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu vào chức danh Tổng Giám đốc điều hành của PVN cũng khiến báo chí tốn không ít giấy mực, khi dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về việc một số dự án ngành dầu khí do ông Hùng phụ trách thua lỗ nặng. Cụ thể là dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVTex (ở Hải Phòng) lỗ tới hơn 1.700 tỷ đồng từ năm 2012 đến 31/12/2014.
Theo báo chí, trong quá trình triển khai dự án xơ sợi Đình Vũ, ông Lê Mạnh Hùng được biết đến là Phó Tổng Giám đốc PVN phụ trách dự án. Ông Hùng cũng là người đã có ý kiến và chủ trương đồng thuận, là cơ sở để Hội đồng thành viên PVN ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương nghiệm thu có điều kiện dự án xơ sợi Đình Vũ kết thúc quá trình chạy thử và nhận bàn giao nhà máy để tiếp tục tự tổ chức chạy thử dưới hình thức vận hành thương mại.
Tuy vậy, trước việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, dư luận đang đặt dấu hỏi: Chủ tịch HĐTV PVN có xử lý dứt điểm lùm xùm ở các Công ty thành viên?
Phát huy hơn đà tăng trưởng của PVN?
Trong buổi giao ban định kỳ giữa Tổng Giám đốc và các đơn vị thành viên, ban lãnh đạo PVN cho biết, trong 9 tháng năm 2020, tổng doanh thu đạt 423,2 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 50,2 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, do dịch bệnh COVID-19 và gặp nhiều ảnh hưởng từ giá xăng dầu, nhưng các đơn vị trong PVN vẫn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực, Tập đoàn vẫn cơ bản duy trì tình hình tài chính ở mức độ ổn định, tích cực.
Theo đó, PVN đã gia tăng trữ lượng dầu khí 9 tháng đạt 15 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm 2020 là 10-15 triệu tấn quy dầu). Tổng sản lượng khai thác 9 tháng đạt 15,71 triệu tấn quy dầu, vượt 4,0% so kế hoạch 9 tháng.
Sản lượng khai thác dầu 9 tháng đạt 8,64 triệu tấn, vượt 9,4% kế hoạch, trong đó, sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài 9 tháng đạt 1,38 triệu tấn, vượt 5,2% kế hoạch 9 tháng.
Theo TGĐ Lê Mạnh Hùng, trong tháng 9/2020 toàn Tập đoàn đã tiết giảm 636 tỷ đồng, tính chung 9 tháng toàn Tập đoàn đã thực hiện tiết giảm 7.170 tỷ đồng.
Thu truong Cong Thuong lam Chu tich PVN ky vong thay doi gi?-Hinh-4
 Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng nhiều từ giá xăng dầu, nhưng PVN vẫn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực. (Ảnh minh họa).
Một số đơn vị có thành tích nổi bật trong tháng 9/2020 như Vietsovpetro đã đưa giàn BK 21 vào hoạt động vượt tiến độ 1 tháng, đón dòng dầu đầu tiên ngày 2/10/2020; BSR đã hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, chi phí. Hai đơn vị của Tập đoàn là PVFCCo và PVCFC đã xuất khẩu được 320.000 tấn phân bón, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
PVN hiện đang vận hành năm hệ thống đường ống dẫn khí lớn gồm: Đường ống dẫn khí Bể Cửu Long - Dinh Cố - Phú Mỹ, cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam Bộ; đường ống Nam Côn Sơn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam Bộ; đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam Bộ; đường ống PM3 CAA - Cà Mau cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Tây Nam Bộ và đường ống Hàm Rồng - Thái Bình cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Bắc Bộ.
Các đường ống dẫn khí của PVN hàng năm cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí, đáp ứng sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 - 80% sản lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN hiện đang vận hành thương mại các công trình trọng điểm dầu khí như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, các nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ và Cà Mau, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Hằng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu, 13% nộp ngân sách Nhà nước.
Việc Thứ trưởng Công Thương làm Chủ tịch HĐTV PVN liệu có phát huy hơn đà tăng trưởng của PVN?- Đây cũng là một trong những câu hỏi mà dư luận đang quan tâm.
Khánh Hoài (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)