Thu tiền tỉ từ 'mỏ vàng' phụ phẩm bỏ đi

Google News

Được ví là mỏ vàng của ngành nông nghiệp với khối lượng lên tới 158 triệu tấn/năm nhưng phụ phẩm nông nghiệp vẫn chưa được khai thác triệt để.

Theo các chuyên gia, phụ phẩm nông nghiệp vẫn đang được tính toán, chế biến ở mức thấp dù tầm nhìn rất cao, có thể đem lại nguồn thu tỉ đồng, gia tăng thêm giá trị kinh tế rất đáng kể cho sản phẩm mà các doanh nghiệp (DN) đang tham gia sản xuất.

Thu tiền tỉ từ “rác” cây trồng

Sau hơn một năm thu hoạch thành công sợi tơ dứa từ lá dứa bị vứt bỏ, DN của ông Nguyễn Hữu Hạnh (Nghệ An), Giám đốc sản xuất của Công ty CP Nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (Ecosoi), đã đưa được sản phẩm của mình đến trời Tây. Nhiều đơn đặt hàng giá trị và tiềm năng từ thị trường quốc tế bắt đầu đổ về.

Thu tien ti tu 'mo vang' phu pham bo di

Ông Nguyễn Hữu Hạnh(bên trái)bên cạnh chiếc máy ép sợi tơ dứa của Ecosoi.Ảnh: THU HÀ

Theo ông Hạnh, trước khi khởi nghiệp, ông đã chứng kiến cảnh người nông dân phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc vào việc xử lý lá dứa sau khi thu hoạch dứa, thậm chí sử dụng thuốc xịt cỏ hoặc đốt… Cách này vô tình ảnh hưởng tới chất lượng đất đai, môi trường. Thực tế này khiến ông nghĩ đến việc tận dụng lá dứa làm nguyên liệu dệt may như cách mà nhiều nước tiên tiến đang làm.

Một máy tách sợi lá dứa có giá 50 triệu đồng nhưng mỗi ngày có thể xử lý được 3 tấn lá dứa, bằng sức lao động của 20 người. Cứ mỗi 100 kg lá dứa làm được 5 kg sợi thô, giá bán 800.000 đồng/kg. Thông thường mỗi hecta dứa thì sau 18 tháng thu được 350 triệu đồng tiền bán quả. Thay vì tốn công đốt, nông dân lại có thêm 60-70 triệu đồng từ lá dứa.

Ngoài ra, trong khi đánh sợi, phần thịt trong lá dứa được công ty tận dụng ủ với vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây. Đó là cách tận dụng hết vòng đời của cây dứa.

Thu tien ti tu 'mo vang' phu pham bo di-Hinh-2

Cuộn sợi tơ dứa và những sản phẩm dệt may được làm từ sợi tái chế phụ phẩm
nông nghiệp.
Ảnh: THU HÀ

Bà Vũ Thị Liễu, đồng sáng lập Ecosoi, cho biết thêm sợi tơ dứa chắc chắn sẽ là nguồn lợi lớn trong ngành nông nghiệp khi chỉ riêng trong lĩnh vực may mặc, các DN đang rất cần tìm vùng nguyên liệu xanh, bền vững. Đây cũng là nhu cầu của nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

“Nhu cầu xanh hóa trong ngành thời trang đang được hướng tới, nhất là các thương hiệu nổi tiếng. Công bằng mà nói thì sợi dứa nổi trội hơn sợi bông nhưng chưa bằng sợi tơ tằm hay gai, điểm cộng là sợi thân thiện với môi trường. Ở châu Âu, sợi dứa được sử dụng để làm đồ da với giá bán rất cao. Chính vì thế, thời gian tới chúng tôi sẽ ra mắt cuộn sợi công nghiệp để đáp ứng nhu cầu cho DN may mặc” - bà Liễu thông tin.

Thu tien ti tu 'mo vang' phu pham bo di-Hinh-3

Sản phẩm Ecosoi đang được thị trường Anh đón nhận và đánh giá cao về chất lượng. Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm để gia tăng giá trị cho loại phụ phẩm nông nghiệp này. Ở thời điểm hiện tại, Ecosoi sản xuất 2-3 tấn sợi/tháng, trong năm 2023 ước tính sẽ tăng sản lượng lên 7-8 tấn/tháng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Cũng tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, câu chuyện của ông Lý Minh Hùng, người đầu tiên ở Đồng Nai nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu sang châu Âu khiến không ít người bất ngờ.

“Tôi đọc nhiều và biết một số nông dân ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản đã chế bẹ chuối thành sản phẩm có ích cho cộng đồng. Tôi trăn trở, mình sống ở thủ phủ chuối, nguyên liệu sẵn có, nhân công không thiếu thì sao lại lãng phí tài nguyên” - ông Hùng chia sẻ.

Thực tế bẹ chuối khô đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ như đan lát thành giỏ xách, ghế ngồi… hay tận dụng trong việc làm giấy.

Đầu tháng 2-2021, container bẹ chuối sấy khô đầu tiên đã được đóng gói xuất khẩu sang châu Âu. Tính tới cuối tháng 6, DN đã xuất được tám chuyến hàng với tổng khối lượng lên tới 20 tấn.

Bất ngờ với sản phẩm từ phụ phẩm thủy sản

Trong khi đó, ở lĩnh vực thủy sản, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (An Giang), cũng cho biết đơn vị ông là một trong những DN tiên phong ứng dụng công nghệ để chế biến sâu phụ phẩm cá tra.

Theo đó, DN đã tạo ra dầu ăn cao cấp và shortening, margarine chất lượng cao được chế biến từ mỡ cá bằng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Sản phẩm không chỉ được đón nhận trong nước mà còn được đánh giá cao từ khách hàng nước ngoài.

Ông Thành phân tích nguyên liệu mỡ cá có giá bình quân khoảng 16.000 đồng/kg, sau khi tinh luyện thành dầu ăn cao cấp thì giá bán bình quân khoảng 46.000 đồng/lít; shortening, margarine giá bán bình quân 30.000 đồng/kg trong khi tỉ lệ hao hụt khi chế biến chưa đến 3%.

“Như vậy, khoảng 1,2 triệu tấn cá tra nguyên liệu mỗi năm của ĐBSCL tương đương gần 200.000 tấn mỡ cá. Nếu toàn bộ được chế biến thành dầu ăn và shortening, margarine thì tổng doanh thu là hơn 7.000 tỉ đồng” - ông Thành đưa con số đáng kinh ngạc.

Đó là chưa kể bột cá tra cũng đang đem lại nguồn thu lớn khi được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Nhìn cao hơn, trong thịt cá tra có tám loại acid amin thiết yếu, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến thì có thể chế biến thành dịch đạm hoặc bột đạm thủy phân để làm thực phẩm chức năng hoặc sản xuất hạt nêm, giá bán không thấp hơn 200.000 đồng/kg.

Vị này đánh giá nếu nguồn phụ phẩm thủy sản nói chung và cá tra nói riêng được ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu thì sẽ tạo ra những sản phẩm mới có tính đột phá, giá trị vượt trội, giá trị thu được cũng sẽ đạt con số tỉ đô. Vì thế đây được xem là mỏ vàng cho ngành thủy sản.

Không dễ để khai thác

Mặc dù nguồn phụ phẩm nông nghiệp vẫn là những mỏ vàng tiềm năng nhưng ngành này vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về công nghệ và vốn.

Đại diện một DN chuyên xuất khẩu trái cây sấy khô sang các thị trường châu Âu, Đông Nam Á thừa nhận việc tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp là xu hướng của nền kinh tế tuần hoàn. Ngành này dù có tầm nhìn cao song không phải đơn vị nào cũng có thể đáp ứng.

“Dù biết vỏ trái cây sau khi chế biến có thể ủ thành phân bón hữu cơ nhưng chúng tôi không thể làm được vì thiếu công nghệ, vốn, nhân sự, năng lực điều hành… nên các phụ phẩm này hiện vẫn phải vứt bỏ” - vị này chia sẻ.

Ở góc độ DN kỳ cựu, ông Trương Vĩnh Thành thừa nhận để khai thác được giá trị từ phụ phẩm nông nghiệp cần phải có sự sáng tạo, đưa chất xám vào trong sản phẩm. Do đó, ở lĩnh vực này công nghệ là yếu tố quyết định và chi phí đầu tư cũng không nhỏ.

“Sẽ rất ít ngân hàng chấp nhận tài trợ vốn cho những dự án đầu tư sản phẩm mới do nhiều rủi ro. Chưa kể sau khi có sản phẩm, việc thương mại cũng là bài toán hao tổn nhiều tâm sức” - ông Thành trăn trở.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi về hiệu quả tái sử dụng của phụ phẩm nông nghiệp, cần hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, công nghệ phục vụ thu gom, xử lý chế biến phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, các cơ chế về hỗ trợ vốn, tổ chức kinh doanh, dây chuyền sản xuất cũng cần được tính đến, nếu muốn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.

Theo PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)