Trong một phát ngôn mới đây, Chủ tịch Đại học FPT TS. Lê Trường Tùng cho biết, Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt, trường áp dụng thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên ngoại và khuyến khích sinh viên nội.
Thông tin này ngay sau đó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại về những rủi ro khi giao dịch bằng đồng tiền ảo bitcoin, nhất là khi luật pháp của Việt Nam hiện nay không cho phép việc này.
|
Nếu đúng là trường đại học FPT thu học phí bằng bitcoin thì đây sẽ là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, hay đúng hơn là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam dám "công khai" việc sử dụng bitcoin - tiền điện tử làm phương tiện thanh toán. Ảnh minh họa. |
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Tống Minh Hữu - Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải & Cộng sự cho biết, hiện đồng tiền bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 28 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 về Tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia quy định: Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.
Chiếu theo Khoản 6, Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 nêu rõ: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Và Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Đồng thời, căn cứ theo Điểm D, Khoản 6, Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiển tệ và ngân hàng quy định: phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Như vậy, vi phạm của trường đại học FPT có thể bị xử phạt hành theo quy định ở mức từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Mặt khác, liên quan đến việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, sáng 28/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi văn bản chính thức lên tiếng về sự việc này, nhằm khẳng định thêm một lần nữa rằng bitcoin và các loại tiền ảo tương tác khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
NHNN cho hay, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).