Lo lộ thông tin
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Quy định này đang dấy lên lo ngại về việc bảo mật thông tin khách hàng.
Một số ý kiến cho rằng, thông tin tài khoản ngân hàng là một khối lượng dữ liệu đồ sộ, nếu cung cấp toàn bộ cho ngành thuế, khả năng cơ quan này không đủ sức xử lý, lưu giữ. Từ đó, thông tin có thể bị rò rỉ ra bên ngoài, ảnh hưởng đến các vấn đề riêng tư của người nộp thuế.
Một doanh nghiệp kinh doanh thương mại và dịch vụ tại Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tài khoản của công ty này có nhiều giao dịch qua lại hàng ngày. Trong đó, có những khoản tiền vay mượn hay nhờ chuyển trả, nếu bị ngành thuế hỏi thì phải giải trình, sẽ mất nhiều thời gian và phiền phức.
|
Tài khoản khách hàng tại hơn 30 ngân hàng sẽ được chuyển sang cơ quan thuế |
"Nếu tôi là người kinh doanh thành đạt, có nhiều tiền để trong tài khoản ngân hàng, nhỡ bị tiết lộ ra ngoài có thể sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình như bị bắt cóc, tống tiền,... Vì vậy, rất đáng lo ngại về vấn đề bảo mật", ông nói.
Ông Nguyễn Quyết, Công ty TNHH Hưng Hà (Hà Nội) cho rằng, các ngân hàng hiện có hệ thống bảo mật khá tốt, bất cứ ai thâm nhập vào tài khoản nào đều được lưu lại và đều có thể phát hiện ra. Vậy mà thời gian qua, không ít thông tin của khách hàng vẫn bị lộ ra ngoài. Vậy câu hỏi đặt ra là khi chuyển dữ liệu cho ngành thuế quản lý, hệ thống bảo mật như thế nào? Ngành thuế đã xây dựng được hệ thống bảo mật như ngân hàng chưa?
Với cơ sở dữ liệu vô cùng lớn của khách hàng từ hơn 30 ngân hàng thương mại chuyển sang, việc lưu trữ, xử lý thế nào đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng là điều nhiều người rất lo lắng.
Một loạt doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cũng bày tỏ sự lo ngại khi tài khoản ngân hàng chuyển cho cơ quan thuế quản lý. Nếu thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh không được bảo mật, lọt vào tay đối thủ cạnh tranh, có thể dẫn đến việc bị phá hoại, bị “chơi xấu”. Có DN chia sẻ, nếu cảm thấy không an toàn họ sẽ tìm kiếm các kênh tài chính phi ngân hàng để thực hiện các giao dịch, hoặc sẽ quay trở lại sử dụng tiền mặt trong các giao dịch. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ 361 (Hà Nội) băn khoăn: "Thông tin mà bị lộ thì không biết truy ra lỗi từ đâu. Trước đây nếu lộ thì rõ ràng là lỗi của ngân hàng, nay thêm cơ quan thuế quản lý, liệu hai bên có đổ lỗi cho nhau? Việc khởi kiện hay đòi đền bù thiệt hại sẽ thêm phần phức tạp, khó khăn cho bị hại".
“Có tật giật mình”
Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico (Hà Nội) lại cho rằng, đáng ra quy định này cần phải ban hành sớm hơn. Với những tài khoản có các giao dịch minh bạch, rõ ràng và đúng pháp luật thì không có gì phải lo ngại về vấn đề bị lộ thông tin. Đáng lo nhất chính là những tài khoản có những giao dịch nhạy cảm, tế nhị, mờ ám hay bất thường. Đặc biệt, với những người kinh doanh qua mạng Internet, có hành vi trốn thuế thì họ thật sự lo ngại với quy định mới này.
Trong khi lao động có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thì những người kinh doanh trên mạng, mỗi năm thu lợi cả tỷ đồng song không đóng thuế hoặc đóng không đầy đủ là thiếu công bằng. Trước, ngành thuế không có thông tin để truy tìm, hoặc có truy tìm cũng mất rất nhiều thời gian và công sức, có khi cả năm trời chưa thu được.
|
Nhiều ý kiến lo ngại khách hàng dễ bị lộ thông tin cá nhân |
Vì vậy, với quy định này thì việc thu thuế sẽ kịp thời và hạn chế tối đa hành vi trốn thuế trong kinh doanh. Theo quy định, trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên là phải vào tù, vì vậy nhiều người đang làm ăn kinh doanh mà trốn thuế sẽ rất lo ngại khi bị ngành thế sờ đến. Nhưng phải như vậy mới trả lại sự công bằng và minh bạch, luật sư Đức nói.
Việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho cơ quan thuế không có gì vi phạm đến quy định bảo mật. Đây là hoạt động bình thường trong công tác chống thất thu thuế. Quy định cũng nêu rõ, cơ quan thuế chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp, nên trường hợp ai để lộ ra ngoài thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả Thụy Sĩ - nước nổi tiếng về việc ngân hàng bảo mật thông tin khách hàng - nay cũng đã phối phợp với cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin nhằm chống thất thu, gian lận thuế.
Còn vấn đề lộ thông tin cũng đã xảy ra ngay tại các ngân hàng do sở hở trong đảm bảo an ninh mạng, bị tội phạm công nghệ tấn công lấy cắp dữ liệu, thậm chí nhân viên ngân hàng bán dữ liệu khách hàng cho người cần mua. Chuyện này không hề hiếm, theo luật sư Đức.
TS Nguyễn Đắc Hưng, chuyên gia ngân hàng, đánh giá quy định mới này có ưu điểm là giúp chống thất thu thuế hiệu quả. Hiện có nhiều người không thành lập công ty, tự kinh doanh trên mạng, có doanh thu và lợi nhuận hàng năm rất lớn. Nhưng để thu thuế của những đối tượng này rất khó khăn và thất thu rất lớn. Với quy định này, từ 5/12 tới, họ sẽ phải nộp thuế đầy đủ nếu không muốn bị quy vào tội trốn thuế", ông nói thêm.
Người Việt Nam vẫn có thói quen mượn tài khoản của nhau để gửi và nhận tiền. Sắp tới, hiện tượng này sẽ giảm mạnh, nhất là với những khoản tiền lớn, bởi các chủ tài khoản sẽ không muốn gặp phiền phức với cơ quan thuế nên khó mà vô tư cho người khác mượn được. Muốn giao dịch, phải có tài khoản và tự thực hiện, như vậy sẽ minh bạch hơn.
Tuy nhiên, thực tế cũng gây lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng, nếu bị lộ ra rất ảnh hưởng. Mặc dù vậy, TS Hưng vẫn cho rằng, với những ai có giao dịch không minh bạch sẽ lo ngại hơn cả. Bởi vậy, họ sẽ phải tìm kênh giao dịch khác, có thể quay lại sử dụng tiền mặt. Điều này làm cho các ngân hàng mất đi một khoản thu lớn từ phí dịch vụ hàng năm, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.
Nhưng thương mại điện tử ngày càng phát triển, thanh toán qua mạng rất tiện lợi, nếu muốn kinh doanh không thể yêu cầu khách hàng dùng tiền mặt. Vì vậy, nếu khách hàng lựa chọn thanh toán qua mạng thì người kinh doanh vẫn phải chấp nhận. Hơn nữa, muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, lại phải thiết lập mạng lưới thu tiền mặt và chuyển tiền hiện cũng thêm tốn kém, nhiều rủi ro, đương nhiên so với chuyển tiền qua mạng không tiện lợi bằng nên cũng không đáng lo ngại, ông Hưng nhận định.
Câu chuyện giờ đây không phải là có nên áp dụng quy định này hay không, mà là vấn đề cơ quan thuế là làm thế nào để bảo mật được dữ liệu, đảm bảo quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ. Một khi cơ quan quản lý minh bạch, công khai và người nộp thuế không “có tật giật mình” thì quy định trên không quá đáng sợ, luật sư Đức nói.