Kỳ vọng từ chính sách thu hồi nợ xấu
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được xem là đã giải quyết gần như toàn diện vấn đề các TCTD gặp phải trong quá trình xử lý nợ cũng như thu hồi tài sản đảm bảo.
Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng Nghị quyết 42 sẽ tác động mạnh lên tâm lý người vay nợ. Ngoài ra, cộng hưởng với sự hồi phục của nền kinh tế và niềm tin tiêu dùng, hoạt động sản xuất được khơi thông thì tỷ lệ thu hồi nợ sẽ cải thiện so với năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,48% vào cuối quý 2/2017, giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý 1/2017. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng nợ xấu có phần nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước cao hơn mức tăng 9% của tín dụng.
Nếu tính cả nợ xấu bán VAMC nhưng chưa thu hồi được thì tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là hơn 5,8%, giảm nhẹ so với mức 5,87% vào cuối năm 2016.
Tình hình thu hồi nợ của VAMC khả quan hơn so với các năm liền trước. Ước tính đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC đạt hơn 20%, tương ứng có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu đã được thu hồi.
Các ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), củng cố bộ đệm xử lý nợ xấu. Tiếp sau VCB, VDSC kỳ vọng ACB, CTG và MBB sẽ là các ngân hàng xử lý dứt điểm trái phiếu đặc biệt, muộn nhất trong nửa đầu năm 2018. Kịch bản lạc quan hơn, nếu tiến độ thu hồi nợ trong nửa cuối năm 2017 tương đương giai đoạn đầu năm, khả năng ACB và MBB có thể hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt ngay trong năm 2017.
Đối với BID, VDSC nhận thấy ngân hàng đang có động thái trích lập mạnh mẽ DPRR nợ xấu nội bảng, với chi phí tăng gấp đôi cùng kỳ. Tiến độ trích lập dự phòng Trái phiếu đặc biệt của BID vẫn theo kế hoạch của ngân hàng song kỳ vọng tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm 2018. Với giả định tỷ lệ thu hồi nợ khoảng 3-5%/năm thì BID có thể hoàn thành việc trích lập DPRR trái phiếu đặc biệt vào đầu năm 2019.
Tổng chi phí DPRR tín dụng của 10 ngân hàng niêm yết tăng xấp xỉ 43% so với cùng kỳ năm 2016. Chi phí DPRR tăng mạnh ở một số ngân hàng như ACB (+165% ), BID (+71% ), CTG (+34% ), và MBB (+72% ).
Dù vậy, trong khi phần lớn chi phí DPRR của ACB và BID là trích lập cho các khoản nợ xấu nội bảng thì CTG và MBB tăng cường trích lập DPRR cho trái phiếu đặc biệt. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) của ACB và BID đã cải thiện đáng kể so với thời điểm cuối năm 2016, lần lượt ở mức 131% và 84% trong khi LLR của MBB và CTG có xu hướng giảm, lần lượt còn 87% và 101%.
Đối với VCB, mặc dù chi phí trích lập DPRR không tăng so với cùng kỳ nhưng khoản chi phí này trích lập toàn bộ cho nợ nội bảng (cùng kỳ trích lập cho trái phiếu đặc biệt). Do vậy, LLR của VCB cũng tăng mạnh lên xấp xỉ 165% (cuối 2016: 117%). Tỷ lệ LLR cao cho thấy khả năng phòng vệ trước rủi ro nợ xấu của các ngân hàng đang tốt hơn so với các năm trước.
Thúc đẩy tăng trưởng nhờ "nới" tín dụng
Dự báo tín dụng toàn ngành tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ quý cuối năm. Sau chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã cho phép nhiều ngân hàng nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017.
Với mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2017 của toàn hệ thống đạt 12,16% YTD thì để đạt mục tiêu tăng trưởng mới (21-22%), tín dụng quý IV/2017 ước tăng trưởng khoảng 7,9%, tương ứng khoảng 487 ngàn tỷ đồng sẽ được bổ sung vào hoạt động cho vay trong quý cuối năm. Đây là tốc độ tăng trưởng khá cao so với mức bình quân quý IV của giai đoạn 2012-2016 (tăng trưởng cao nhất là 6,3% vào Qúy IV/2014).
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng sẽ phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.Tăng trưởng tín dụng của nhóm Ngân hàng quốc dân, gồm BID, CTG, và VCB dự báo xoay quanh mức 18-19%.
Tăng trưởng tín dụng nhóm NHTMCP nhóm 1, như ACB và MBB, dự báo xoay quanh mức 20- 22%. Và tăng trưởng tín dụng của nhóm NHTMCP nhỏ hơn, với thị phần tín dụng 2-4% mỗi ngân hàng, dự báo dao động trong khoảng 25-30%.
Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất sẽ mạnh dần lên khi các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản, tỷ lệ NIM 2018 có thể giảm nhẹ.
Về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36, một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý là tỷ lệ vốn Ngân hàng cho vay trung dài hạn sẽ giảm về mức 45% vào năm 2018 và 40% từ năm 2019.
Sự điều chỉnh này sẽ giảm áp lực chi phí vốn ở một số ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao, mà BID là một điển hình. Trong khi đó, với các ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn thấp, như ACB, MBB và VCB thì VDSC cho rằng sự điều chỉnh trên hầu như không tác động.
Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập lãi thuần của 10 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 27,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng 2016.
Tiếp tục cuộc đua tăng vốn theo Basel II
Thực hiện Basel II từ năm 2019 đối với 10 ngân hàng tham gia thí điểm và từ năm 2020 đối với các ngân hàng còn lại. Theo đó, 10 ngân hàng tham gia thí điểm Basel II phải chính thức áp dụng CAR theo quy chuẩn của Thông tư 41 (được xem là tiệm cận Basel II), và đến năm 2020 thì toàn bộ ngân hàng còn lại phải áp dụng CAR theo Thông tư này.
Chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) tại thời điểm cuối quý 2/2017 giảm nhẹ so với cuối năm 2016 do tín dụng tăng trưởng mạnh. Theo VDSC tỷ lệ CAR phân hóa khá rõ giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và NHTMCP ngoài quốc doanh. Theo đó, CAR của các NHTMCP tham gia thí điểm Basel II, gồm ACB, VPB, MBB, TCB, VIB, và Maritime, luôn ở mức rất cao. Do vậy, các ngân hàng này có thể sẽ không gặp nhiều trở ngại đối với lộ trình trên.
Ngược lại, CAR của VCB xấp xỉ 10% và CAR của BID và CTG thấp hơn 10%. Như vậy, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải chạy đua trong việc tăng vốn để có thể đáp ứng được lộ trình trên. Kết quả là tiềm năng tăng trưởng cũng như rủi ro pha loãng trong khoảng 2-3 năm tiếp theo sẽ tương đối lớn ở các ngân hàng quốc doanh.