Khó mua bán vàng, người dân lại phải tìm đến 'chợ đen'
Cuối tháng 7 vừa qua, chị Nguyễn Thị Loan ở Vĩnh Phúc có nhu cầu mua 5 lượng vàng miếng SJC để trả nợ. Thế nhưng, sau nhiều ngày vất vả đăng ký online, chị chỉ mua được 1 lượng vàng. Muốn mua lượng thứ 2 phải chờ 3 tháng sau. Tức, để mua đủ số vàng, chị phải mất cả năm.
Sợ giá vàng tăng mạnh, đầu tháng 8, chị đành tìm mua vàng ở “chợ đen” với mức giá chênh 3 triệu đồng/lượng so với giá các ngân hàng niêm yết.
“Công việc bận rộn, việc đăng ký mua vàng online cũng rất khó, thường bị lỗi, nên tôi đành chấp nhận mua đắt bên ngoài”, chị nói.
Thực tế, vài tháng lại đây, nhiều người có nhu cầu về vàng nhẫn, vàng miếng SJC gặp khó khăn khi đi mua. Bởi, các ngân hàng bán vàng “nhỏ giọt”, trong khi hầu hết doanh nghiệp thông báo không có cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn. Số ít cửa hàng cho biết, muốn mua vàng nhẫn phải chờ 10-15 ngày.
|
Người dân gặp khó khăn khi mua vàng miếng và vàng nhẫn. Ảnh: Minh Hiền
|
Trái ngược với tình trạng này, trên thị trường “chợ đen”, hoạt động mua bán vàng miếng và vàng nhẫn lại diễn ra tấp nập với mức giá chênh từ 1-5 triệu đồng/lượng, tùy loại và tùy thời điểm. Trên mạng xã hội còn có những hội nhóm nhận đăng ký, bán các suất đăng ký mua vàng online tại 4 ngân hàng với giá 300.000 đồng/suất.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhớ ngày trước, gia đình ông cũng có nhiều vàng miếng Kim Thành - loại vàng rất hiếm thời đó. Khi cần tiền, ông cũng phải dấm dúi đem bán, còn mua loại vàng này lại càng khó hơn.
"Nay, tình trạng mua bán trên thị trường cũng gần giống như “thời bao cấp”, ông Thịnh ví von. "Bởi vì 4 ngân hàng thương mại bán số lượng hạn chế, còn các cửa hàng vàng theo phản ánh thì hết vàng nhẫn và vàng miếng. Người dân buộc phải tìm đến “chợ đen”.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây có nhiều thành công trong quản lý thị trường vàng. Việc giao 4 ngân hàng thương mại và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn bán vàng miếng SJC đã rút ngắn được chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, từ 17-18 triệu đồng xuống trung bình còn 4-5 triệu đồng/lượng. Ông đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng, đưa giá vàng về mức tốt trong năm nay.
Tuy nhiên, thị trường xảy ra tình trạng các doanh nghiệp vẫn niêm yết giá vàng miếng, nhưng khi người dân tới mua thì không bán. Trong khi đó, số lượng vàng của các ngân hàng bán ra hạn chế, mỗi người chỉ được mua 1 lượng và 3 tháng sau mới được đăng ký mua tiếp.
Vì vậy, những người có nhu cầu mua vàng nôn nóng, sợ giá tăng nên chọn mua ở “chợ đen”. Tháng 6, giá vàng miếng SJC ở “chợ đen” chênh lệch tới 4-5 triệu đồng/lượng so với giá ngân hàng niêm yết. Đến tháng 7 và tháng 8, mức chênh này giảm còn khoảng 1 triệu đồng/lượng, ông Phương cho hay.
Cần cho nhiều ngân hàng bán vàng hơn
Để giải quyết tình trạng trên, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, NHNN không nên can thiệp hành chính mãi vào thị trường vàng. Đã đến lúc, cần để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật của nó. NHNN ở đằng sau giám sát, nếu thị trường có động thái bất thường thì tham gia điều chỉnh như thời gian vừa qua.
“Khả năng tình trạng vàng loạn sóng tăng giá như trước đây sẽ không còn nữa”, ông nói. Vị chuyên gia này phân tích, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, lượng vàng miếng SJC bình ổn và lượng đấu thầu tung ra thị trường đã rất lớn, lên tới hơn 300.000 lượng. Như vậy, thị trường không còn quá khan hiếm vàng SJC.
|
Cần để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật. Ảnh: Hoài Bắc
|
Trước đây, giá vàng tăng là bởi nguồn cung không có. Còn 2-3 tháng nay, nguồn cung dần dồi dào nên khả năng khan vàng sẽ không như trước, ông nhìn nhận.
Thực tế, giá vàng trong nước chênh với giá thế giới rút ngắn còn 4-5 triệu đồng/lượng. Do đó, NHNN cần xem xét trả lại cơ chế vàng cho thị trường quyết định, các nơi có thể bình đẳng với nhau trong mua bán vàng, người dân mua ở đâu cũng được.
Trường hợp NHNN vẫn quyết định tham gia bình ổn, theo ông, nên mở rộng đối tượng bán vàng. Thay vì chỉ 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như hiện nay, cần có thêm các ngân hàng khác tham gia bán vàng. Những nhà băng này có thể được mua vàng từ NHNN để bán ra, góp phần đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân.
Vị chuyên gia này cũng nhắc lại vấn đề cần xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Bởi, khi bỏ độc quyền vàng SJC, các thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường sẽ cạnh tranh về giá, người dân cũng có quyền lựa chọn nhiều thương hiệu vàng khác nhau để mua.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp để ổn định thị trường vàng miếng SJC, còn câu chuyện về khan hiếm vàng nhẫn, theo ông Phương, vẫn cần cho nhập vàng nguyên liệu.
Ông chỉ rõ, các doanh nghiệp muốn sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức nhưng hiện không có nguồn nguyên liệu. Muốn có sản phẩm vàng bán cho người dân, doanh nghiệp phải mua nguyên liệu vàng có hoá đơn, chứng từ rõ ràng. Nhưng việc này cực kỳ khó. Bởi lượng vàng nguyên liệu có chứng từ ít, lượng bán ra thị trường cũng ít theo.
Hơn 10 năm nay không nhập vàng nguyên liệu, do đó ông kiến nghị NHNN cần xem xét cho nhập dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp. Có thể cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu hoặc NHNN trực tiếp đứng ra nhập khẩu sau đó phân phối lại.
Theo ông Phương, nếu không giải quyết vấn đề vàng nguyên liệu thì hoạt động mua bán vàng ở “chợ đen” sẽ vẫn diễn ra, đẩy rủi ro về phía người dân vì chất lượng không được giám sát.
Ngoài những giải pháp trên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các ngân hàng bán vàng và các doanh nghiệp cần minh bạch số lượng mua bán với NHNN. Khi có dữ liệu chuẩn về cung cầu thị trường, cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách quản lý, mua bán và nhập khẩu nguyên liệu phù hợp. Từ đó, cung - cầu vàng trên thị trường được cân bằng.