Thị trường Tết 2024: Chợ truyền thống đìu hiu, siêu thị dồn dập khuyến mãi

Google News

Bộ Công Thương dự báo sức mua sắm Tết 2024 có thể tăng hơn 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa chợ truyền thống và các siêu thị.

Còn khoảng hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Theo thông lệ, thời điểm này tiểu thương các chợ truyền thống tại TP.HCM bắt đầu nhập hàng hóa về phục vụ nhu cầu mùa mua sắm lớn nhất trong năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua thấp, thị trường không mấy sáng sủa, nhiều người bán không dám nhập hàng mới, một số doanh nghiệp (DN) cũng dè dặt với kế hoạch sản xuất hàng Tết.
Chợ sỉ, chợ lẻ đìu hiu
Khảo sát tại một số chợ sỉ, chợ lẻ những ngày này chúng tôi nhận thấy không khí mua sắm khá vắng lặng. Đến các chợ dễ dàng bắt gặp hình ảnh tiểu thương ngồi xem điện thoại, nhân viên các sạp chụm lại tán gẫu, chơi game… chờ khách.
Bà Thúy, tiểu thương ngành hàng bánh kẹo tại chợ Bình Tây (quận 6), cho biết thông thường để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm Tết, bà nhận đơn hàng từ các tỉnh sau đó đặt các cơ sở sản xuất trong nước làm. Nhưng những năm gần đây, nhất là sau dịch COVID-19, nhiều mối hàng chuyển sang mua trực tiếp từ công ty thay vì từ chợ đầu mối nên lượng khách giảm mạnh.
Thi truong Tet 2024: Cho truyen thong diu hiu, sieu thi don dap khuyen mai
Các siêu thị bắt đầu trưng bày hàng hóa cho mùa mua sắm Tết 2024, mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Ảnh: TÚ UYÊN 
Tương tự, bà Thanh, kinh doanh thời trang tại chợ An Đông, than thở năm nay sức mua mặt hàng quần áo bị ảnh hưởng nặng nề do người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm hơn. Thêm vào đó, hiện giờ kinh doanh trên mạng xã hội đang bùng nổ, việc mua bán qua kênh online dễ dàng nên những mối hàng ở tỉnh đã chuyển sang nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất Trung Quốc với chi phí thấp hơn so với mua tại chợ sỉ TP.HCM. Nhìn chung tiểu thương mất khoảng 30%-50% lượng khách hàng sỉ các tỉnh so với trước đây.
 Chuẩn bị 22.000 tỉ đồng trữ hàng Tết
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X mới đây về công tác đảm bảo giá cả hàng hóa dịp Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: Để đảm bảo ổn định thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, sở tiếp tục kích hoạt hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của 45 công ty, hơn 10.000 điểm bán hàng.
“Với hơn 22.000 tỉ đồng để trữ hàng hóa, chúng tôi đảm bảo đủ hàng tiêu dùng, không thiếu hụt và tăng giá đột biến dịp Tết năm nay” - ông Vũ nhấn mạnh.
“Dù sức mua giảm, vắng khách, giá cả nguyên vật liệu thì cao nhưng chúng tôi không dám tăng giá theo. Hiện chúng tôi đang gồng mình để mở cửa chứ không kỳ vọng nhiều vào mùa Tết như những năm trước” - bà Thanh nói thêm.
Trước tình trạng vắng khách dù vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, một số chợ đã cố gắng xoay xở. Đơn cử các bên liên quan mới đây đã mời hàng chục người có ảnh hưởng trên mạng đến chợ Bến Thành để livestream bán hàng, quảng bá du lịch, giúp tiểu thương vực dậy tình hình kinh doanh.
Siêu thị dồn dập khuyến mãi
Từ góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động hệ thống Saigon Co.op, dự báo người dân sẽ bắt đầu đi mua sắm từ khoảng một tháng trước Tết. Nhà bán lẻ này kỳ vọng sức mua và lượt khách sắm Tết sẽ tăng khoảng 20%-30% so với tháng kinh doanh bình thường và tăng 50% so với ngày thường.
Chính vì vậy, đơn vị đã chuẩn bị tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ mùa mua sắm Tết 2024 lên đến 10.000 tỉ đồng, tăng 20%-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng thường.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, trứng gia cầm… Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản Tết” - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, từ giữa tháng 12, Saigon Co.op sẽ mở màn chương trình khuyến mãi Tết của chuỗi siêu thị, cửa hàng bằng các hoạt động giảm giá trực tiếp 50%-100% với hơn 10.000 sản phẩm. Đặc biệt trong 10 ngày cận Tết hệ thống siêu thị sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà.
Đại diện Lotte Mart dự đoán sức mua của người dân dịp Tết Nguyên đán 2024 sẽ tăng khoảng 20%. Để kích thích sức mua, siêu thị sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi.
“Chúng tôi sẽ giảm giá hàng hóa xa xỉ, đẩy mạnh phân phối hàng hóa thiết yếu, phân khúc bình dân và một số hàng hóa mới cho ngày xuân. Trong đó sẽ tập trung vào bánh kẹo, hộp quà, gạo, lương thực thực phẩm…” - đại diện Lotte Mart thông tin.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, dự đoán sức mua không bằng năm ngoái nhưng là đơn vị tham gia bình ổn thị trường mặt hàng trứng gia cầm nên công ty vẫn giữ kế hoạch sản xuất như cũ. Theo đó, từ ngày 20 Tết mỗi ngày công ty sẽ cung cấp cho thị trường 1-1,5 triệu quả trứng vào cao điểm Tết.
Ông Thiện khẳng định: “Những năm gần đây nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết dồi dào, giá cả không biến động nhiều. Vì vậy, chúng tôi chỉ lo ngại dư thừa hàng hóa chứ không lo thiếu. Thời điểm này công ty tập trung chạy doanh số để đạt kế hoạch năm nên liên tục khuyến mãi”.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng đầu năm ước tính đạt 5.667 ngàn tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua đã có sự phục hồi tốt so với năm ngoái.
Về nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ mùa Tết được các đơn vị kinh doanh chuẩn bị với lượng hàng dự trữ tăng 10%-25% so với cùng kỳ. Dự kiến sức mua Tết 2024 có thể tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
“Sóng gió” mùa tiêu dùng cuối năm
Bà Hà Huy Thiên Thư, Trưởng phòng Marketing cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, thông tin: Qua khảo sát thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý III cho thấy việc tăng giá của hàng hóa đã hạ nhiệt nhưng tăng trưởng khối lượng vẫn ở mức thấp, một số ngành hàng còn tăng trưởng âm khiến tổng giá trị FMCG tăng chậm. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn rất thận trọng trong chi tiêu.
“Dự báo vẫn còn nhiều “sóng gió” cho mùa mua sắm mùa Tết, khi chi tiêu cho mặt hàng tiêu dùng nhanh trong dịp lễ, Tết tại Việt Nam tiếp tục sẽ bị ảnh hưởng” - bà Thư nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Long, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, đánh giá tháng 10 vừa qua nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi, ngành hàng tiêu dùng nhanh có độ trễ khoảng ba tháng. Do đó, các nhà kinh doanh cũng không quá lạc quan về mùa Tết năm nay dù có tăng trưởng nhưng trầm lắng hơn năm ngoái. 


Theo Pháp luật TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)