Sau khi mua lại chuỗi cửa hàng tiện ích Shop&Go với giá chỉ 1 USD, Vinmart lại vừa thâu tóm thêm 8 siêu thị Queenland Mart tại TP Hồ Chí Minh của Công ty Cổ phần thực phẩm Bông Sen vào hệ thống bán lẻ của mình.
Tham gia thị trường bán lẻ khá muộn (năm 2014), Queenland Mart có chiến lược phát triển khá rõ ràng, chỉ tập trung mở tại những tòa chung cư, toà nhà dân cư cao cấp ở quận 7, quận 2 và huyện Bình Chánh. Những mặt bằng của hệ thống này được đánh giá là cao cấp, đắt đỏ. Tuy vậy, chỉ sau vài năm hoạt động, thương hiệu này đã không vượt ra ngoài quy luật đào thải của thị trường.
Sôi động mua bán – sáp nhập
Với việc thâu tóm 8 siêu thị Queenland Mart, sẽ có 7 siêu thị được chuyển đổi thành siêu thị Vinmart, 1 siêu thị được chuyển đổi thành cửa hàng Vinmart+. Như vậy, Vinmart nâng số điểm bán hàng lên con số 120 và hơn 2.100 cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc.
|
Khách hàng thanh toán tại siêu thị Queenland Mart.
|
Thương vụ mua lại Queenland Mart cho thấy chiến lược của Vinmart không chỉ gia tăng độ phủ về chiều rộng tại khắp các tỉnh thành mà còn chọn những thị trường chiến lược là các thành phố lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ ngoại như AEON, Big C, Lotte…
Hồi tháng 5, Vingroup được SK Group - một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng. Đây là số tiền đầu tư lớn nhất mà tập đoàn này rót vào một doanh nghiệp Việt Nam tính đến nay.
Năm ngoái, Tập đoàn Vingroup đã mua lại chuỗi 23 siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam, chuyển đổi thành các siêu thị Vinmart ở vị trí các tuyến phố lớn, mặt tiền trung tâm, gia tăng độ phủ thương hiệu tại Hà Nội.
Cùng với Vinmart, một cái tên bán lẻ thuần Việt khác là Saigon Co.op cũng đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường với việc mua lại chuỗi bán lẻ Auchan của Pháp. Đại diện siêu thị cho biết, việc tiếp quản Auchan khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại và thể hiện trách nhiệm của Saigon Co.op đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Có thể thấy, sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn. Sự đổ bộ của những ông lớn sừng sỏ nước ngoài khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước đứng trước những sức ép rất lớn. Không ít doanh nghiệp nhỏ lẻ, đơn thương độc mã không trụ lại được trước những sóng lớn, đã phải chấp nhận rời cuộc chơi và nhượng lại thị phần, sáp nhập hoặc bán cổ phần cho doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp khác lại đang nỗ lực phát triển lớn mạnh, khẳng định vị thế sân nhà, mà điển hình chính là sự vươn lên mạnh mẽ của Vingroup. Với việc mở rộng chuỗi siêu thị và nâng cấp chất lượng, Vingroup mong muốn khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trên sân nhà, cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Cuộc đua mới chỉ bắt đầu
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Từ năm 2013 đến nay, làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ diễn ra mạnh mẽ. Nhiều thương vụ quy mô lớn, điển hình như vụ mua lại Metro Cash & Cary Việt Nam (gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro) và Big C Việt Nam (32 siêu thị/đại siêu thị)... trị giá 1,14 tỷ USD.
|
Khách hàng thân thiết của siêu thị Queenland Mart chuyển đổi theo chương trình của Vinmart.
|
“Người tiêu dùng trong nước cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, điển hình là Tập đoàn VinGroup đã triển khai hoạt động M&A với các chuỗi bán lẻ nổi tiếng VinatexMart, OceanMart, Fivimart; Tập đoàn BRG mua Intimex and Hapro; SaigonCoop mua chuỗi Auchan (Pháp)… Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn M&A trong khu vực và chắc chắn ngành bán lẻ sẽ vẫn là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ M&A nhiều nhất”, bà Loan đánh giá.
Trong khi đó, nhận định về thị trường bán lẻ, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn của Savills Hà Nội cho rằng, sự cạnh tranh mới đang chỉ bắt đầu. Việc các doanh nghiệp lớn thời gian qua mở rộng kinh doanh về các tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ là minh chứng cho điều này.
Theo bà Hằng, câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Cũng không loại bỏ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả 2 bên.
"Sự cạnh tranh dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước", chuyên gia của Savills nhận định.
Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, thị trường Hà Nội hiện đã có tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng; những khu vực trước đây thiếu mặt bằng bán lẻ thì nay cũng đã có những dự án phục vụ nhu cầu cho người dân về mua sắm và vui chơi giải trí. Đối với thị trường TP Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tính đến giữa năm 2019 cũng đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13% so quý II/2018.
So sánh với các thị trường khác trong khu vực, Hà Nội và TPHCM hiện đang có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp, điều này cho thấy 2 TP lớn vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
"Thị trường sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, hiện đang là sân chơi chuyên nghiệp của các doanh nghiệp có năng lực thực sự", bà Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng khá cao này thể hiện nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng. Điều này cũng cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang có sức hấp dẫn rất lớn.