Thời điểm năm 2013, khi UBND quận 9 có chủ trương giải tỏa, di dời các lò gạch truyền thống của gia đình đồng thời khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi ngành nghề. Nhận thấy mô hình trồng lan phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị và cũng là đam mê của bản thân; bà Thủy dấn thân vào một ngành nghề hoàn toàn mới.
|
Vườn lan Bến Sạn Tây sẽ tiếp tục đầu tư vào dòng hoa lan hồ điệp. Ảnh: Nguyễn Vy |
Khởi đầu, bà thủy trồng hoa denrobium bán chậu và hoa mokara cắt cành trên tổng diện tích 1.300m2. Sản lượng lan hàng năm lúc bấy giờ đạt khoảng 7.000 chậu. Tuy nhiên, do là hộ tiên phong trong việc trồng lan tại địa phương nên kỹ thuật ban đầu còn gặp nhiều khó khăn. Kiến thức trồng cây, thông tin về nguồn giống và nhất là nguồn tài chính thiếu thốn đủ bề.
Các sản phẩm được bà Thủy bán chủ yếu cho các chợ truyền thống và các shop hoa trên địa bàn quận. Đầu ra của hoa lan lúc đó khá mơ hồ vì ở quận 9 rất ít người biết về loại hoa này, việc giới thiệu đến thị trường gặp nhiều khó khăn.
Thông qua sự giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, bà Thủy có dịp tham quan học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả ở nước ngoài. Nhận thấy việc trồng và cung cấp hoa lan theo phương thức cũ không ổn định, luôn bị động ở khâu đầu ra, năm 2017, vườn lan Bến Sạn Tây đã mở cửa hàng hoa lan ngay tại quận 9 để trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Sau 3 năm, bà Thủy đã trả hết vốn vay 2 tỷ đồng của ngân hàng rồi trích lợi nhuận ròng để để tiếp tục đầu tư mở rộng. Đến nay, vườn Bến Sạn Tây đạt tổng doanh thu hơn 5,6 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, vườn còn tạo việc làm cho 10 lao động phương.
Bà Thủy cho biết bà sẽ tiếp tục liên kết với các nhà vườn ở Lâm Đồng để xây dựng mô hình trồng hồ điệp trưởng thành tại TP.HCM. Việc này sẽ tăng cường liên kết trong sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động. “Quan trọng hơn là giảm giá thành và tạo thế mạnh trong sản xuất kinh doanh. Dự kiến đầu tư cho hệ thống nhà kính để trồng hồ điệp và làm giống khoảng 5 tỷ đồng” - bà Thủy chia sẻ.