Bài toán xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, bền vững
Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" diễn ra ngày 11/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đang tập trung giải quyết đó là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khai thông hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu.
Ở trong nước, trước tình hình lạm phát tăng kéo giá cả hàng hóa tăng cao từ đầu năm đến nay, yếu tố quan trọng là phải duy trì các chuỗi cung ứng để kiểm soát các loại giá, để làm sao khi giá xăng dầu điều chỉnh xuống, các loại giá khác cũng được kiểm soát theo.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động quản lý chuỗi cung ứng càng đóng vai trò quan trọng khi dịch Covid-19 và các xung đột địa chính trị đã khiến chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa, sản phẩm bị đứt gãy trên quy mô toàn cầu.
7 tháng đầu năm nay, nhiều ngành xuất khẩu nhưu thủy sản, da giày vẫn chịu hệ lụy khi các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến cơ hội xuất khẩu đến các thị trường quốc tế tiềm năng.
Tìm lời giải cho bài toán chuỗi cung ứng ổn định, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, để khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế cùng phát triển.
Đặc biệt, các quan hệ hợp tác để kết nối các chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ, khả năng quản trị, tăng sức cạnh tranh thông qua nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics được xem là “chìa khoá” để các doanh nghiệp vượt thoát khó khăn trước mắt, cùng nhau phát triển bền vững trong tương lai.
|
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc – siêu cảng đầu tiên khởi động cho Mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN |
Đồng thuận với các quyết sách của Chính phủ, ngày 12/8, một thỏa thuận hợp tác chiến lược nhiều bên gồm T&T Group, ngân hàng SHB, Công ty Cổ phần T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (T&Y), Tập đoàn YCH (Singapore), Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng Công ty đường Đường sắt Việt Nam (VNR) đã được ký kết với mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng quy mô toàn diện.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB cho biết, T&T Group và SHB đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Vietnam Airlines và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Biên bản tạo cơ chế thuận lợi để Vietnam Airlines, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiếp cận và khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Tập đoàn T&T Group. Đồng thời cả hai doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của T&T Group.
|
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng SHB và Vietnam Airlines ký thỏa thuận hợp tác chiến lược |
Mặt khác, để thúc đẩy phát triển logistics đa phương thức tại Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng, Công ty T&Y SuperPort Vĩnh Phúc - liên doanh của T&T Group và YCH, sẽ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với Vietnam Airlines và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
“Các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Singapore quyết định thống nhất đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới, nhằm phát huy tối đa sự kết nối trong các lĩnh vực có thế mạnh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp”, ông Hiển chia sẻ.
Những mắt xích hỗ trợ “siêu cảng”
Là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, trong lĩnh vực logistics, T&T Group đang quản lý vận hành cảng Quảng Ninh, cảng nước sâu quốc tế với sản lượng bốc xếp trung bình năm đạt khoảng 7,5 triệu tấn.
Mặc dù vậy, điểm nhấn đáng chú ý trong lĩnh vực logistics của T&T Group là một dự án đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ đi vào vận hành giai đoạn I cuối năm nay. Đó là Dự án Trung tâm logistic ICD Vĩnh Phúc (SuperPort Vĩnh Phúc). Dự án do liên doanh giữa T&T Group và Tập đoàn YCH (Singapore) triển khai.
Được xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, “siêu cảng” tại Vĩnh Phúc là cái tên đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh ASEAN có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot - ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.
SuperPort Vĩnh Phúc sau khi đi vào hoạt động sẽ trở thành một trong những trung tâm logistics lớn nhất và tốt nhất Việt Nam, giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa qua đó tối ưu hóa chi phí. Với vị trí chiến lược của mình, dự án có khả năng phục vụ hàng hóa đa phương thức bao gồm đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt, “siêu cảng” tại Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu thúc đẩy giao thương Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác.
Dự án cũng kỳ vọng trở thành “cánh tay nối dài” đưa ngành logistics Việt Nam vươn tầm quốc tế. Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể khi chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam hiện đứng thứ 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, thực tế thì chi phí logistics ở Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. SuperPort Vĩnh Phúc đặt mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam giảm xuống 14% và đến 2035 xấp xỉ Singapore ở mức 8-10%.
Để kết nối SuperPort Vĩnh Phúc tới những mắt xích quan trọng khác trong chuỗi cung ứng, T&T Group nhanh chóng hợp tác với những đơn vị vận chuyển lớn là Vietnam Airlines và VNR.
|
Phối cảnh dự án SuperPort Vĩnh Phúc |
Theo đó, SuperPort Vĩnh Phúc tích hợp kho hàng không kéo dài (OACT) của mình vào toàn bộ các dịch vụ/mô hình thương mại của Vietnam Airlines. Với lượng hàng hóa thông qua đường hàng không dự kiến tăng khoảng 12%/năm, việc hợp tác giữa hai doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm tắc nghẽn tại Cảng Hàng không Nội Bài, rút ngắn thời gian chờ hàng, giảm chi phí logistic, tăng hiệu suất thực hiện đơn hàng, góp phần làm tăng trưởng mảng vận chuyển hàng hóa.
Bắt tay với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, SuperPort Vĩnh Phúc dự kiến sẽ xây dựng nhánh đường sắt để kết nối tuyến đường sắt quốc gia vào khu vực dự án siêu cảng. Trong đó, ttuyến hàng hóa đường sắt di chuyển từ cảng tới Vân Nam – Trung Quốc. Để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, hai bên cũng sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư quốc tế để phát triển dự án nhằm đưa hệ thống đường sắt Việt Nam đạt chuẩn khổ đường ray và nhà ga đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Việc hoàn thiện kết nối vận chuyển hàng hóa đường hàng không và đường sắt còn giúp SuperPort Vĩnh Phúc khai thác niềm năng hàng hóa từ mạng lưới của tập đoàn YCH tại Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Mảnh ghép cuối cùng trong hệ thống logistics đang được T&T Group triển khai đó là một tổ chức tài chính hỗ trợ vốn. Ngân hàng SHB, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ và nghiệp vụ ngân hàng thông thường cho cả hai nhóm khách hàng; còn xem xét cấp mới hoặc duy trì hạn mức tín dụng ngắn, trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines và VNR. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các chương trình ưu đãi, đặc quyền cho cả hai doanh nghiệp.
“Chúng tôi tin những thỏa thuận hợp tác được ký kết sẽ là dấu mốc, tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp cùng nhau hiện thực hóa những cam kết trong thời gian sớm nhất, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh, khôi phục thị trường và chuỗi cung ứng .
Những thỏa thuận trên tinh thần cùng nhau hợp tác và khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, bao gồm cả khả năng kết nối các doanh nghiệp với các Tập đoàn lớn trên thế giới để tạo ra các giá trị cộng hưởng vượt trội cho doanh nghiệp và kinh tế quốc gia”, ông Hiển nhận định.