Ngày 25/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết đang tiến hành điều tra vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB).
Trước đó, ngày 29/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại doanh nghiệp này.
Liên quan đến vụ án, ngày 21/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định khởi tố 4 bị can (đều thuộc CTCP Tập đoàn Tiến Bộ). Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Dẫn nguồn tin từ báo Đầu tư, 3/4 bị can bị khởi tố có ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phùng Văn Thái, Tổng Giám đốc và ông Trần Thanh Hà, Kế toán trưởng.
Cổ phiếu TTB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2015, sau đó ba năm, công ty chuyển niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Trong quá trình khoảng 8 năm niêm yết, Tập đoàn Tiến Bộ đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, cụ thể là hành vi không công bố thông tin theo quy định pháp luật, hay công bố thông tin không đúng thời hạn và báo cáo có nội dung không chính xác.
Liên quan đến TTB, cuối tháng 1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt các ông Dương Thanh Xuân và Nguyễn Thành Nam 600 triệu đồng mỗi cá nhân.
Nguyên nhân được xác định do ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam cùng sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB.
Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an, hành vi của ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.
|
Cổ phiếu TTB trồi sụt bất thường trong 5 năm qua. |
Nói về diễn biến cổ phiếu, sau giai đoạn tăng tích cực từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019 - cũng là giai đoạn TTB bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên HoSE, thị giá TTB bắt đầu lao dốc kể từ mức đỉnh hơn 23.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 về quanh mức 3.500 đồng/cổ phiếu như hiện tại.
Một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu giảm mạnh được chỉ ra là do sự thiếu ổn định trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Việc thị giá cổ phiếu ở mức thấp được cho là rào cản khi TBB muốn huy động vốn từ việc phát hành cổ phần với giá cao.
Chủ tịch và CEO bị bắt sở hữu bao nhiêu vốn công ty?
Từ tháng 3/2022, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có sự thay đổi khi có sưh góp mặt của 6 cổ đông tổ chức và hoàn toàn không có sự xuất hiện của các các nhân bị khởi tố sau khi TTB phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn lên 1.015 tỷ đồng.
Trước đó, 6 tổ chức này đều không sở hữu cổ phần tại TTB. Sau khi mua vào tổng cộng 41 triệu cổ phiếu, các tổ chức này chính thức trở thành cổ đông lớn, chiếm tổng cộng 40,39% vốn TTB.
|
Các cổ đông lớn của TTB từ tháng 3/2022. |
Về sở hữu của người nội bộ và người có liên quan, theo Báo cáo tình hình quản trị năm 2022, ông Phùng Văn Bộ - Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất với 4,34 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,28%);
Theo sau là hai cá nhân, ông Trần Thanh Hà, Kế toán trưởng và bà Dương Thị Vân, Trưởng Ban Kiểm soát (miễn nhiệm năm 2022), mỗi người nắm giữ 4,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,05%).
Còn ông Phùng Văn Thái - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiến Bộ đã bán xong toàn bộ hơn 6,18 triệu cổ phiếu TTB (tỷ lệ 12,01%) và không còn là cổ đông lớn trong ngày 21/1/2022.
Lần gần đây nhất ông Phùng Văn Thái giao dịch cổ phiếu TTB từ đầu năm 2021. Thời điểm đó, từ 18/12/2020 đến 8/1/2021 ông Thái bán bớt hơn 2,68 triệu cổ phiếu TTB để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Còn ở chiều mua vào, lần gần nhất ông Thái mua là từ tháng 9/2020 – khi đó ông Thái mua thêm gần 4 triệu cổ phiếu TTB.
TTB lâm cảnh khó khăn tài chính và dòng tiền cạn kiệt
Khởi đầu với lĩnh vực sản xuất hàng thể thao thủ công, TTB chuyển hướng sang bất động sản từ năm 2015, tập trung vào khu vực bán tỉnh lẻ ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Nhớ đó, doanh thu tăng liên tục từ mức hơn 300 tỷ đồng từ năm 2016 lên hơn 500 tỷ đồng vào năm 2020. Tuy nhiên lợi nhuận không theo cấp số luỹ tiến mà trồi sụt thất thường trước khi lao dốc 73% trong năm 2021.
Doanh thu và lãi sau thuế cả 2022 đạt lần lượt 1.409 tỷ và 2,75 tỷ. Riêng quý 4/2022, Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần 112 tỷ đồng, chưa đầy 1/6 cùng kỳ năm trước.
Hoạt động bán chung cư mang về gần 105 tỷ đồng, chiếm 93% tổng doanh thu của quý, mảng cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa đóng góp lần lượt 4,4% và 2,2%.
Nguyên nhân một phần do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch đợt 3 và 4 trên quy mô rộng đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường bất động sản tỉnh lẻ bao gồm cả TTB tại Bắc Giang.
Ngoài ra, nguyên vật liệu tăng mạnh và áp lực trả nợ lớn do phụ thuộc vào vốn vay để tài trợ cho các dự án bất động sản cũng ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thông tin về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, Tập đoàn Tiến Bộ có tổng tài sản 1.987 tỷ đồng, tăng 41% so với một năm trước. Khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với gần 874 tỷ đồng.
Hai dự án bất động sản hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và hàng tồn kho là chung cư Tiến Bộ (125,5 tỷ đồng) và Chung cư Green City (Bắc Giang) (211,9 tỷ đồng).
Dòng tiền kinh doanh âm đến 366 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm đầu năm dương 187 tỷ đồng, theo đó khoản tiền mặt cuối năm 2022 của doanh nghiệp chỉ còn vỏn vẹn 7 tỷ đồng.