Tăng bất định, rủi ro: Các tổ chức dự báo GDP 2023 ra sao?

Google News

Nhiều tổ chức quốc tế, công ty chứng khoán nhận định kinh tế Việt Nam sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn trong năm 2023, GDP khó đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Dựa trên kết quả tăng trưởng trong quý 1/2023 mới đây nhiều tổ chức quốc tế cùng các công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo mới cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, ADB cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Song cũng theo chuyên gia của ADB, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi trên.

Do đó, ADB đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 như mục tiêu Chính phủ đặt ra, và tăng trưởng tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Tang bat dinh, rui ro: Cac to chuc du bao GDP 2023 ra sao?
 Ảnh minh họa, nguồn internet

Cùng quan điểm, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, do tác động trong nước và bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Như vậy, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 434,77 tỷ USD với mức dự báo tăng trưởng 6,3% của WB.

Theo báo cáo đánh giá về bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2023 và dự báo cả năm 2023 của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với kết quả tăng trưởng khá thấp của quý I/2023, mức nền cao của quý II và cả năm 2022, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) , trong đó dự báo tăng trưởng các quý còn lại lần lượt là 7%; 6% và 6,5%.

Mặc dù việc Trung Quốc đã mở cửa từ tháng 1/2023 sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư, du lịch... toàn cầu và Việt Nam, song sẽ khó bù đắp được tác động tiêu cực từ môi trường quốc tế, cũng như sự sụt giảm đáng kể từ các đối tác lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng đạt được mức tăng trưởng cao hơn ( 6-6,5% ) vẫn có thể xảy ra nếu Việt Nam quyết tâm thực hiện một số giải pháp thúc đẩy.

Theo đánh giá của Chứng khoán VnDirect tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần phục hồi trong các quý còn lại của năm 2023 và đạt 6,2% cả năm đến từ kỳ vọng từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi.

Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB cũng vừa công bố báo cáo tăng trưởng quý 1/2023 của Việt Nam. Trong đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6,0% so với trước đó là 6,6%.

Tuy nhiên, mới đây nhất, Chứng khoán ACB (ACBS) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay chỉ còn trong khoảng 4,4 - 5,1%.
ACBS nhận định, có một số yếu tố rủi ro bên ngoài cần theo dõi đến cuối năm 2023 làm tăng sự bất định đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Theo ACBS,  Fed và các NHTW lớn sẽ tiếp tục tăng lãi suất như kế hoạch. Và nếu hành động của các NHTW có tác động như dự kiến và lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ có thể trở nên trung tính trong nửa cuối năm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ lại trở thành ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách. ACBS dự báo môi trường lãi suất cao sẽ được duy trì ít nhất đến cuối năm 2023.

Rủi ro tiếp theo là khả năng suy thoái đang tăng lên. EU và Mỹ là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên hoạt động sản xuất và thương mại, vốn vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam, dự báo sẽ chững lại trong năm 2023.

Các chuyên gia tại đây cũng đề cập đến hoạt động sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng khi chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu làm giảm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu, dẫn đến sụt giảm doanh số cho các trung tâm xuất khẩu hàng hóa châu Á.

Ngoài ra, thị trường bất động sản vốn đã trải qua một giai đoạn suy thoái do sụt giảm số lượng giao dịch, khan hiếm vốn và điều kiện cho vay thắt chặt đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo khối phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức cho đến khi nó tìm được đủ nguồn vốn và Chính phủ có những thay đổi về các chính sách hỗ trợ ngành bất động sản một cách rõ ràng.

Trước đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Minh Quang

>> xem thêm

Bình luận(0)