Lời nói bất ngờ của sếp doanh nghiệp nhà nước
“Sau khi giữ lại các khoản phúc lợi, chi lương thưởng, trích quỹ đầu tư phát triển,... thì lợi nhuận làm ra được nộp lại ngân sách. Trong khi đó, khi cần những hoạt động đầu tư lớn, chúng tôi lại phải đi vay với lãi suất cao; như vậy rất khó để cạnh tranh được với doanh nghiệp tư nhân”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có số nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm đã nói như vậy khi chia sẻ một trong những “nỗi niềm khó nói” của khối doanh nghiệp này.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác khi trò chuyện cũng có tâm tư như vậy. Nhưng họ cũng phải chấp nhận các quy định hiện nay của DNNN.
|
Cùng trong 1 lĩnh vực thép, nhưng "vào tay" doanh nghiệp nhà nước thì bết bát thế này. |
Nói về quyền tự chủ của doanh nghiệp, vị lãnh đạo kể trên thừa nhận rằng nếu được quyền thì ông sẽ bỏ hết các nhà máy nhỏ rải rác ở những địa phương để làm một nhà máy quy mô lớn. Bởi ngành nghề của doanh nghiệp này xây dựng “một nhà máy quy mô lớn hiệu quả hơn là làm nhiều nhà máy nhỏ”.
Nhưng ông hiểu rằng, kế hoạch của ông khó có thể làm được vì “là doanh nghiệp nhà nước giữ vốn chủ đạo”, “vì còn hàng ngàn lao động ở mỗi nhà máy” nên “không làm thế được”.
“Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì đã khác”, vị này nói.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong các cuộc trò chuyện “ngoài giờ” đã tâm sự như trên. Những lãnh đạo ấy cũng thú thật rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn có vị trí quan trọng nhưng nhiều vấn đề lại đang rất vướng.
Đơn cử như cơ chế làm việc nhà nước với thủ tục trình lên, báo cáo, phê duyệt khiến cho nhiều cơ hội đầu tư, nhiều hoạt động cấp bách bị trôi qua.
Một vấn đề quan trọng khác là ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thuần túy, nhiều doanh nghiệp nhà nước phải “gánh” thêm nhiệm vụ chính sách.
Hồi tháng 5, khi bài toán cung cầu xăng dầu trục trặc mà theo lý giải của Bộ Công Thương là do lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng, thì hai "ông lớn" xăng dầu là Petrolimex và PVOil cũng phải đứng ra để “gánh nhiệm vụ bình ổn”.
Trong cuộc trò chuyện với báo giới, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói rằng: DNNN còn là công cụ của nhà nước thực hiện chính sách vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, mục tiêu ổn định vĩ mô của Chính phủ. Có thể tại thời điểm này lỗ, nhưng thời điểm khác lãi, và cả năm có thể lãi. Không thể vì một chốc một lát lỗ ở thời điểm này mà đổ cho điều hành nhà nước.
Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường xuyên đề cập đến vấn đề giá điện là một nút thắt trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều thời điểm giá điện đáng ra phải tăng nhưng để giữ mục tiêu kiềm chế lạm phát, tránh tăng chi phí cho người dân - doanh nghiệp, thì việc tăng giá phải hoãn lại. Về mặt quy định, giá điện có thể điều chỉnh 4 lần/năm. Nhưng do thực hiện các mục tiêu trên, điều này không dễ thực hiện.
|
Vừa làm kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị là điều khiến doanh nghiệp nhà nước gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Ảnh: Lương Bằng |
Đề cao tính tự chủ và nguyên tắc thị trường
Vì cơ chế vận hành như trên nên giá cả các mặt hàng mà doanh nghiệp nhà nước cung cấp cho nhau cũng không thể theo thị trường. Chẳng hạn, giá bán than cho điện, cho nhà máy phân bón. Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) không thể tự quyết được giá bán than cho những hộ này, mà buộc phải thông qua “cơ chế hiệp thương”, và Bộ Tài chính đóng vai “trọng tài”. Thông thường, giá than bán cho những hộ này thấp hơn giá thị trường và lãnh đạo TKV cũng không giấu việc giá than chưa được điều chỉnh theo thị trường.
Hệ quả là, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước cũng không thực sự được phản ánh chính xác. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực báo lãi nhưng nếu cộng các chi phí chưa được tính vào thì lại lỗ.
Vậy nên, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (hay còn gọi là “siêu ủy ban”) trong một kiến nghị mới đây đã đề cập đến việc phân định rõ hơn nhiệm vụ chính sách và nhiệm vụ kinh tế trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
“Bảo đảm để tập đoàn, tổng công ty thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”, siêu ủy ban nêu ý kiến.
Siêu ủy ban cũng đề xuất cơ chế rất đáng chú ý khi DNNN thực hiện nhiệm vụ phục vụ các mục tiêu chính sách - kinh tế - xã hội như điều tiết, bình ổn giá cả, bảo đảm cân đối lớn, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng,... Đó là “các tập đoàn, tổng công ty được xác định rõ chi phí để Nhà nước bù đắp và được làm rõ khi đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh”. Điều này là cần thiết.
Cùng với đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn hoàn toàn khỏi những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ phải được thực hiện nghiêm túc.
Dù vậy, thực tế có nghịch lý là lãnh đạo DNNN “muốn được như doanh nghiệp tư nhân”, nhưng động đến cổ phần hóa lại triển khai rất chậm chạp, cổ phần hóa nhưng bán vốn “nhỏ giọt”.
Một nguyên Thứ trưởng chia sẻ: "Tôi tán thành việc giảm dần quy mô khu vực DNNN. Phải thừa nhận là khu vực nhà nước làm kém hiệu quả. Bạn bè tôi nhiều người kinh doanh các mặt hàng, nhưng bán được mặt hàng nào vào tập đoàn nhà nước thì đội giá lên mấy lần".