Cổ phiếu tăng giá 3 lần sau... hơn nửa tháng
Thị trường chứng khoán từ đầu tháng 2 tới nay gần như chỉ dao động quanh ngưỡng 1.490 điểm đến 1.510 điểm. Tuy nhiên, một cổ phiếu đang gây choáng ngợp khi duy trì được 11 phiên tăng trần liên tiếp kể từ phiên 17/2, và nếu tính cả sáng nay thì số phiên tăng trần đã ở con số 12.
Mã cổ phiếu này là PDC của Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông, được niêm yết trên sàn giao dịch Hà Nội (HNX).
Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông là doanh nghiệp do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Lê Thị Hoàng Yến - con gái ông Thản là Thành viên Hội đồng quản trị.
Theo báo cáo quản trị công ty vừa được Du lịch Dầu khí Phương Đông công bố, hiện tại, ông Lê Thanh Thản đang sở hữu 3 triệu cổ phiếu PDC tương ứng chiếm tỷ lệ 20% cổ phần, bà Lê Thị Hoàng Yến sở hữu trên 1,4 triệu cổ phiếu PDC tương ứng chiếm 9,37% cổ phần.
Chồng bà Lê Thị Hoàng Yến (con rể ông Thản) là cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp, sở hữu 2,85 triệu cổ phiếu tương ứng nắm 19% cổ phần công ty.
Giá cổ phiếu PDC tăng sốc trong nửa tháng trở lại đây kèm thanh khoản tăng mạnh (Ảnh chụp màn hình).
Từ mức giá 6.700 đồng/cổ phiếu thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/2, đến nay, thị giá của PDC đã là 20.000 đồng, tương ứng tăng 3 lần (tăng xấp xỉ 200%). Trước đó, cổ phiếu PDC suốt một thời gian dài chỉ loanh quanh ở vùng giá 7.000 đồng, thanh khoản rất thấp.
Trước khi cổ phiếu nổi sóng, PDC được giao dịch với khối lượng chỉ hơn 1.000 đến vài nghìn đơn vị, giá trị giao dịch có khi chưa đến 10 triệu đồng/phiên. Tuy nhiên, kể từ phiên tăng trần đầu tiên vào ngày 17/2 thì thanh khoản của PDC đã cải thiện đáng kể.
Phiên 17/2, cổ phiếu này tăng gấp 7 lần thanh khoản so với phiên 16/2, khối lượng giao dịch được nâng lên hơn 28.000 đơn vị. Khối lượng khớp lệnh liên tục được nâng lên, đến tháng 3 thì khớp lệnh mỗi phiên đã đạt quanh 50.000 đơn vị. Vậy nhưng, nhìn chung so với thị trường, quy mô giao dịch của PDC vẫn vô cùng nhỏ, giá trị giao dịch mỗi phiên chưa đến 1 tỷ đồng.
Sáng nay (4/3), cổ phiếu PDC bất ngờ được khớp lệnh rất mạnh. Chỉ hơn một giờ đồng hồ đã có gần 140.000 cổ phiếu PDC được sang tay với giá trị hơn 2,7 tỷ đồng.
Và như vậy, với giá trị cổ phiếu tăng 3 lần chỉ trong hơn nửa tháng thì giá trị tài sản cổ phần của gia đình ông Lê Thanh Thản tính riêng tại Du lịch Dầu khí Phương Đông cũng tăng theo tương ứng.
Sở hữu khách sạn bậc nhất Nghệ An nhưng kinh doanh gặp khó
Với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông hiện có 15 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua, vốn hóa thị trường của công ty hiện đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Sau khi kết quả kinh doanh cải thiện trong năm 2017 thì Du lịch Dầu khí Phương Đông lại đi thụt lùi (Đồ họa: Mai Chi).
Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1994 theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An có tên Khách sạn Phượng Hoàng. Ngày 18/6/1996, đơn vị này được đổi tên thành Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông.
Đến tháng 2/2007, được sự phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiếp nhận Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông về làm đơn vị thành viên và đổi tên thành Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông.
Ngày 21/1/2008, Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thành lập và đổi tên thành Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông. Ngày 29/9/2009 cổ phiếu của công ty với mã chứng khoán PDC chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Năm 2011, toàn bộ phần vốn Du lịch Dầu khí Phương Đông thuộc sở hữu của PVN được chuyển giao sang nhóm cổ đông Ocean Group, song kết quả kinh doanh không mấy hiệu quả. Đến giữa năm 2015, sau những biến cố lớn tại Ocean Group (liên quan tới đại gia Hà Văn Thắm), Du lịch Dầu khí Phương Đông một lần nữa đổi chủ, người tiếp quản không ai khác chính là "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, ông chủ Tập đoàn Mường Thanh.
Phạm vi lĩnh vực hoạt động của Du lịch Dầu khí Phương Đông khá đa dạng. Bên cạnh kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng thì công ty còn kinh doanh bất động sản; đại lý, mua bán phân bón, xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu…
Điểm nhấn của doanh nghiệp này chính là việc sở hữu Khách sạn Phương Đông, một trong những khách sạn lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An, tọa lạc ngay trung tâm Thành phố Vinh. Sau khi về tay "đại gia điếu cày", khách sạn Phương Đông đổi tên thành Mường Thanh Grand Phương Đông. Ngoài ra, Du lịch Dầu khí Phương Đông từng hợp tác với Ocean Group để phát triển dự án Khách sạn Cửa Đông và sau khi phía Mường Thanh thâu tóm thì khách sạn này cũng đổi tên thành Mường Thanh Grand Cửa Đông.
Tuy vậy, hiệu quả kinh doanh của Du lịch Dầu khí Phương Đông không mấy ấn tượng. Chuyển mình sau khi về tay chủ mới, nhưng sau đó, công ty lại cho thấy sự sa sút trong những năm gần đây.
Do đặc trưng của ngành du lịch, dịch vụ, ngành chịu ảnh hưởng của Covid-19, Du lịch Dầu khí Phương Đông chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng trong năm 2021 và hiện đã ghi nhận thua lỗ 2 năm liên tục. Năm 2020, Du lịch Dầu khí Phương Đông lỗ gần 9 tỷ đồng và mức lỗ tăng lên hơn 11 tỷ đồng trong năm 2021.
Thậm chí, trong năm 2021, Du lịch Dầu khí Phương Đông còn phải hoạt động kinh doanh dưới giá vốn. Giá vốn hàng bán tuy đã giảm từ mức gần 37 tỷ đồng của năm 2020 xuống còn hơn 25 tỷ đồng năm 2021 nhưng vẫn cao hơn doanh thu thuần dẫn đến công ty bị lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 11 tỷ đồng (sau khi tính thêm chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng).