Trong vai người bán phở, hủ tiếu “bình dân”, PV len lỏi khắp Chợ Lớn, tìm kiếm loại gia vị siêu rẻ, có công dụng làm nước dùng siêu ngọt, như chia sẻ của nhiều người bán hàng ăn tại TP HCM.
Theo họ, một lạng gia vị siêu ngọt Trung Quốc có thể “làm ngọt” như xương ống cho 20 nồi nước phở, hủ tiếu mà ngay cả người sành ăn nhất cũng khó nhận ra. Thế nhưng, “tác dụng phụ” của viên siêu ngọt này còn nguy hiểm hơn cả thuốc độc. Nó có thể làm biến đổi gen con người, gây ung thư.
“Bí kíp” nấu ăn siêu lãi
Chợ Bình Tây, thường gọi là Chợ Lớn (quận 6, TP HCM) là địa điểm buôn bán các sản phẩm gia vị lớn nhất TP HCM. Bên cạnh các mặt hàng thuần Việt có kiểm định, nhiều sạp hàng ở Chợ Lớn còn bán đủ loại gia vị có xuất xứ nước ngoài với chất lượng chưa rõ ràng. Đa số mặt hàng gia vị có nguồn gốc không rõ ràng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó nổi trội và đáng sợ nhất là gia vị siêu ngọt.
Trước khi thâm nhập, tìm mua loại gia vị có tác dụng thay xương ống để làm ngọt nước dùng trong phở, hủ tiếu, PV có dịp trò chuyện, “học hỏi kinh nghiệm” của nhiều người bán hủ tiếu, phở bình dân.
|
Một sạp hàng bán đủ loại gia vị trên đường Phan Văn Khỏe. |
Anh H. cho biết: “Anh chưa nghe ai phản ánh việc ăn hủ tiếu của anh bị bệnh. Vả lại, anh bán rong nên nay đẩy chỗ này mai đi chỗ khác bán. Khách cũng chỉ là công nhân, người lao động tay chân nên cũng chẳng khó khăn. Tôi nấu, tôi cũng ăn chả thấy bị gì”.Anh N.Q.H. (ngụ quận 8, TP HCM), bán hủ tiếu gõ gần 5 năm cho biết: “Mỗi tô hủ tiếu bình dân chỉ bán với giá từ 10-15 ngàn đồng. Nếu mua xương ống về nấu nước lèo (nước dùng-PV) thì bao nhiêu tiền cho đủ. Mỗi ký xương heo từ 70-90 ngàn đồng ký, rồi nào là hủ tiếu, thịt, bò viên, hành ngò, giá hẹ… cái nào cũng cần tiền hết. Nấu theo cách đó lỗ chết. Tôi nghe mấy người bán hủ tiếu lâu năm bày ra mấy sạp bên hông Chợ Lớn mua bột ngọt, hay viên ngọt gì đó của Trung Quốc về bỏ vô nước lèo. Nồi nước lèo ngọt ngất ngây mà giá loại đó rẻ rề”.
Chị Đ.X.L. (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) lại bức xúc khi nhắc đến “viên siêu ngọt” của Trung Quốc: “Thời gian đầu mở quán phở, tôi nấu nước lèo bằng xương đàng hoàng nhưng bán không lời, giá lại cao, ít người ăn. Nghe mọi người bày, tôi mua gia vị siêu ngọt của Trung Quốc về bỏ vô nước lèo có kèm thêm một ít xương để giảm giá bán. Thế nhưng, nhiều khách ăn xong phở đều than bị khó thở, tai ù, người nóng ran. Tôi sợ quá, không dám xài công thức kinh khủng đó nữa”.
Theo lời anh H., PV trong vai người đi mua sỉ gia vị, về dùng trong việc bán quán lẩu vỉa hè. Đa số chủ sạp bên trong Chợ Lớn đều lắc đầu khi PV đề cập đến loại gia vị siêu ngọt. Thấy PV có nhu cầu mua “viên siêu ngọt”, một chị đi chợ liền mách nhỏ: “Ra mấy sạp bên hông chợ trên đường Phan Văn Khỏe, Lê Tấn Kế mà mua, mấy sạp ở đây chỉ bán cho mối quen thôi. Họ sợ cán bộ bên quản lý thị trường, PV giả dạng để kiểm tra chợ. Nếu bị phát hiện bán bột ngọt, viên siêu ngọt, họ sẽ bị phạt tiền, nên cẩn thận lắm”.
Từ lời hướng dẫn, PV có mặt tại sạp N. trên đường Phan Văn Khỏe để dò tìm gia vị siêu ngọt. Sau một hồi mua các loại gia vị khác nhau, PV giả vờ than thở việc dùng xương nấu nước lèo khiến lợi nhuận thấp. Nhân viên bán hàng tên A. của sạp N. liền nhanh nhảu: “Nãy giờ, anh chị không nói sớm. Chỗ em có bán gia vị làm ngọt thay thế được cả xương ống. Một lạng (100 gram-PV) gia vị này làm ngọt tới 20 nồi nước phở. Anh chị bán lẩu vỉa hè, mua loại này là tiện hơn cả mà giá cực thấp”. Vừa nói, A. chạy vào bên trong sạp, đem ra cho PV hai bịch màu trắng có tên Tang Jing và IG.
Gia vị siêu ngọt có thể làm biến đổi gen?
Nhân viên của sạp N. luôn miệng giới thiệu: “Cả hai loại này đều làm ngọt nước lèo, cho chừng một lạng gia vị này cộng thêm một xíu mỡ heo là có nồi nước lèo siêu ngọt. IG có giá 40 ngàn đồng/lạng, Tang Jing rẻ hơn chỉ có 250 ngàn đồng/kg. Chỗ em có bán lẻ để khách hàng xài thử, anh chị mua thử về dùng. Cái này bỏ vô nồi nước lẩu đảm bảo ngọt, khách hàng thích vị này lắm. Nhiều người bán hủ tiếu, phở, bún riêu… đều mua loại này về để nêm nước lèo”. Khi PV hỏi về xuất xứ, A. cho biết loại Tang Jing là một loại đường của Hàn Quốc, IG là loại bột ngọt của Thái Lan.
Người này còn giới thiệu những bịch chứa gia vị màu trắng không nhãn mác và cho biết loại đó mới của Trung Quốc. “Loại đó chủ yếu bán cho mấy người bán hủ tiếu bình dân, bán dạo. Anh chị bán lẩu, có hàng quán đàng hoàng thì nên mua loại Tang Jing hay IG cho chất lượng. Hai loại này tốt, ai xài cũng khen tốt”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, Tang Jing là loại đường hóa học có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn gọi là đường lụa. Loại đường này ngọt gấp 20 lần đường cát thông thường. Nhiều người sử dụng loại đường này để chế biến thực phẩm, dùng nhiều nhất trong chè, xôi.
IG là một loại siêu bột ngọt có xuất xứ nhiều nước như Trung Quốc, Pháp, Anh… Thế nhưng, đa số siêu bột ngọt có mặt ở Chợ Lớn đều có nguồn gốc từ Trung Quốc vì giá thành thấp. Ngoài các loại siêu bột ngọt giá rẻ, một chủ sạp hàng gia vị ở Chợ Lớn chia sẻ: “Đâu chỉ có siêu bột ngọt, họ còn bán bột ngọt giả các thương hiệu uy tín nữa. Họ mua bột ngọt Trung Quốc về rồi làm giả bao bì của Miwon, Ajnomoto, Vedan… rồi bày bán cùng hàng thật ở chợ. Đa số các sạp ở bên hông chợ mới dám bán kiểu đó, nhiều nhà người ta cho mấy chủ sạp đó thuê, không thuộc quản lý chợ nên ít khi bị kiểm tra”.
Tiến sỹ Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ hóa học cho biết: “Những loại gia vị siêu ngọt có xuất xứ không rõ ràng, thông tin sản phẩm không đầy đủ, chúng ta không nên sử dụng. Nhiều người chạy theo lợi nhuận đang đầu độc lẫn nhau thông qua các thực phẩm sử dụng các loại đường, bột ngọt độc hại. Người ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, bột ngọt chất lượng kém có thể gây nên cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều. Lâu ngày, các chất độc tích tụ sẽ gây phá hủy tế bào, làm biến đổi gien, tạo thành khối u dẫn đến bệnh ung thư”.
Qua trao đổi, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, việc kinh doanh và phân phối gia vị không rõ nguồn gốc đều bị nghiêm cấm. Với những mặt hàng giá quá rẻ, không nhãn mác, không loại trừ khả năng nhà sản xuất dùng hóa chất công nghiệp có nhiều tạp chất, người dân không nên sử dụng. Một cán bộ quản lý thị trường chia sẻ, lực lượng quản lý quá mỏng nên không thể theo sát hoạt động của các chợ. Không chỉ các chợ lớn, đầu mối mà nhiều chợ nhỏ cũng có loại gia vị độc hại này. Họ thường bán lén lút nên khi kiểm tra rất khó phát hiện.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn Dược, Trường đại học Y dược TP. HCM cho biết: “Người dùng rất khó phân biệt đâu là thực phẩm được chế biến từ gia vị siêu ngọt có xuất xứ không rõ ràng. Các chất này khi hòa tan vào nước đều không màu, không mùi nên khó phát hiện. Một số đường hóa học, siêu bột ngọt có tác hại nhất định đến cơ thề con người. Dùng nhiều các chất này sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, gây ung thư gan, thận, phổi. Đặc biệt, loại gia vị này rất nguy hại cho phụ nữ mang thai”.