Sữa học đường: Niềm vui cho lứa tuổi vàng

Google News

(Kiến Thức) - Tại Việt Nam, ngày 8/7/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường Quốc gia, mở ra cơ hội tiếp cận dinh dưỡng học đường, nâng cao tầm vóc cho mọi trẻ em lứa tuổi vàng.

“Sữa học đường” là chương trình được phổ biến rộng rãi tại các nước trên thế giới với mục tiêu cải thiện chế độ dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ tại các trường học. Tại Việt Nam, ngày 8/7/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường Quốc gia, mở ra cơ hội tiếp cận dinh dưỡng học đường, nâng cao tầm vóc cho mọi trẻ em lứa tuổi vàng.
Những bước đi đầu tiên
Đây là chương trình được chờ đợi bởi Việt Nam hiện nay trẻ em tuổi học đường chiếm 1/3 dân số, trong đó lứa tuổi vàng là mầm non và tiểu học có 12 triệu em. Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ, là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo.
 
Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em nước ta vẫn còn cao, vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn
Để thúc đẩy phát triển thể lực và trí lực con người Việt Nam,ngày 28/4/2011Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 641/QĐ-TTgphê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Một trong 6 nội dung quan trọng của chương trình 2 là xây dựng triển khai Chương trình Sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học. Đây là bước đi đầu tiên về chính sách cho Chương trình Sữa học đường.
Học sinh tiểu học tỉnh Nghệ An uống sữa học đường TH school MILK năm học 2015-2016. 
Tiến trình này được tiếp nối bằng Quyết định 1340/QĐ-TTg, đưa ra giải pháp quan trọng để triển khai Chương trình Sữa học đường ở tầm quốc gia là thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội.
Một mô hình nổi bật cho việc huy động nguồn lực xã hội chính là cách làm ở Nghệ An. Trong năm học 2015-2016, UBND tỉnh Nghệ An thực hiện Chương trình Sữa học đường cấp tỉnh với sự song hành của tập đoàn TH. Khi cùng UBND tỉnh Nghệ An triển khai chương trình, Tập đoàn TH- đứng đầu là bà Thái Hương đã nhận định điều tiên quyết để Chương trình thành công là phải giải được bài toán Nguồn lực về tài chính và Nguồn sữa tươi chất lượng
“Khi chưa có Chương trình Sữa học đường quốc gia, các bà mẹ vẫn bỏ tiền mua sữa cho con uống, vì thế đó phải là nguồn lực chính. Nhưng chúng ta không thể để con của các bà mẹ nghèo ngồi nhìn các bạn uống sữa, vì thế cần có nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để hỗ trợ các trẻ nghèo”- Bà Thái Hương chia sẻ
Với mô hình ở Nghệ An, nguồn lực huy động từ ngân sách, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm dùng để hỗ trợ học sinh uống sữa tại trường theo cơ chế: miễn phí 100% cho trẻ em thuộc diện hộ nghèo; hỗ trợ 50% cho trẻ em thuộc diện hộ cận nghèo và hỗ trợ một phần cho trẻ em diện bình thường
Giải pháp nhân văn này đã “chạm” tới mọi bà mẹ và kết quả là Chương trình đã đạt được những thành công đáng khích lệ khi có tới 17/21 huyện thị của tỉnh Nghệ An tham gia Chương trình Sữa học đường cấp tỉnh, dù Đề án của tỉnh ban đầu chỉ làm thí điểm ở 3 huyện thị, giúp hơn 50% trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học trên toàn tỉnh hưởng lợi từ chương trình.
Sữa tươi: xu hướng tất yếu của sữa học đường
Cùng với nguồn lực về tài chính, điều bà Thái Hương trăn trở nhất là chất lượng sữa học đường. “Không phải cứ sữa đưa vào trường học là sữa học đường mà phải là sữa tươi đạt chuẩn, bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ”- đăng đàn phát biểu tại nhiều cuộc họp về Sữa học đường, bà Thái Hương nhấn mạnh điều đó. Vì thế, tập đoàn TH đi theo đúng xu hướng chung của thế giới là sử dụng sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học. Con đường đi này lại là khác biệt ở Việt Nam bởi hiện tại sữa bột pha lại vẫn đang “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Sữa sử dụng trong Chương trình ở Nghệ An là Sữa tươi học đường TH School milk được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi sạch nguyên chất của trang trại TH, nhà máy sữa THvới công thức chuyên biệt được xây dựng bởi Viện dinh dưỡng Quốc gia cùng với sự tư vấn khoa học của Tiến sĩ Frank Wieringa – Chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Dinh dưỡng Pháp. Sản phẩm được bổ sung vi chất dinh dưỡng dựa theo tính toán khoa học, chất lượng cao (Canxi, Sắt, Kẽm, Magie, I-ốt, Axit Folic và hỗn hợp Vitamin A, C, D & nhóm B…) giúp thúc đẩy chiều cao, tăng cường thị lực và khả năng tập trung, phù hợp với lứa tuổi học đường.
Viện dinh dưỡng Quốc gia đã thực hiện nghiên cứu lâm sàng công thức này rất tỷ mỷ với quy trình khoa học, thực hiện đối chứng minh bạch. Nghiên cứu được thực hiện tại 13 trường mẫu giáo và tiểu học với 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An năm học 2013-2014. Trong đó có xử lý số liệu chọn 240 trẻ bị thấp còi cho đánh giá khẩu phần và thiếu vi chất dinh dưỡng bằng xét nghiệm máu, vitamin A, kẽm và Hb trước và sau khi uống sữa. Trong đó, nhóm trẻ này được chia làm 2 nhóm: can thiệp và đối chứng, nhóm can thiệp được uống 2 hộp sữa 180ml trong 1 ngày.
Trong tiến trình nghiên cứu, bà Bùi Thị Nhung- Trưởng Ban dinh dưỡng học đường và Ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết đã tổ chức 7 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các bộ ban ngành về mô hình Sữa học đường và quy chuẩn sữa học đường, với sự tham gia của hàng trăm cán bộ chuyên ngành từ các bộ ban ngành trên toàn quốc như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục Thể dục Thể thao... Đồng thời, bộ phận nghiên cứu tiến hành chọn lựa một số học sinh tiểu học bị suy dinh dưỡng thấp còi tham gia xét nghiệm máu, đánh giá khẩu phần ăn và tình trạng vi chất dinh dưỡng của trẻ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tích cực của sữa học đường, cụ thể là đã giảm được tỉ lệ thấp còi ở mẫu giáo; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thể gầy còm; cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu và thiếu kẽm ở học sinh tiểu học.
Trong Chương trình Sữa học đường cấp tỉnh của Nghệ An triển khai năm học 2015-2016, sử dụng sản phẩm sữa tươi học đường cũng đã mang lại hiệu quả đặc biệt trong việc cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc của trẻ với các kiểm nghiệm của chính Sở Y tế tỉnh Nghệ An.
Cách làm khoa học và sáng tạo của tỉnh Nghệ An và tập đoàn TH được đánh giá là đã đi theo đúng định hướng của Chính phủ khi xây dựng Chương trình Quốc gia Sữa học đường. Từ mô hình này, tập đoàn TH trở thành doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện triển khai chương trình Sữa học đường, mang lại niềm vui cho học sinh lứa tuổi vàng. Và niềm vui này sẽ nhân rộng trong những năm học tiếp theo nhờ sự tiếp sức của Chương trình Sữa học đường quốc gia vừa được chính phủ thông qua.
Mô hình “Sữa học đường” được Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thuộc Liên hợp quốc kêu gọi và ủng hộ, với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và 50 năm tại các nước đang phát triển. Với sự phát triển mạnh mẽ của chương trình, Tổ chức Nông lương thế giới đã lấy ngày thứ 4 của tuần cuối cùng tháng 9 hàng năm làm “Ngày sữa học đường thế giới”.
 
PV

Bình luận(0)