Tập đoàn TH ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Kaluga

Google News

(Kiến Thức) - Tập đoàn TH dự kiến sẽ đầu tư 190 triệu USD để triển khai xây dựng ba cụm trang trại bò sữa tại hai huyện Ulianov và Mosacalsky (thuộc Kaluga).

Ngày 16/5/2016, tại Moscow (Liên bang Nga), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH - sở hữu thương hiệu sữa TH true MILK, và ông Anatoly Mmitriyevich Artamonov, Thống đốc Tỉnh Kaluga (Liên bang Nga), đã ký kết Thoả thuận hợp tác về thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao và tổ hợp nhà kính sản xuất rau, quả sạch tại tỉnh này.
Theo văn bản thỏa thuận, Tập đoàn TH dự kiến sẽ đầu tư 190 triệu USD để triển khai xây dựng ba cụm trang trại bò sữa tại hai huyện Ulianov và Mosacalsky (thuộc Kaluga).
Dự án này là một phần của đại dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Liên bang Nga, với tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD cho giai đoạn 1. Đại dự án này nằm trên hai tỉnh là Moscow và Kaluga.
 
Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa tại Liên bang Nga - quốc gia có truyền thống lâu đời về sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa, và cũng là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Việt Nam hiện nay tại Liên bang Nga.
Mô hình trang trại của tập đoàn TH xây dựng tại Kaluga sẽ có mô hình tương tự như mô hình mà TH đang vận hành tại dự án 1,2 tỷ USD tại huyện Nam Đàn (Nghệ An). Trang trại tại Kaluga sẽ sử dụng các hệ thống chăn nuôi hiện đại nhất thế giới được nhập từ các nhà công nghệ công nghiệp chăn nuôi phát triển như Afimilk (Israel), GEA (Đức), Delaval (Thụy Điển) và BouMatic (Hoa Kỳ). Những tập đoàn này sẽ cung cấp toàn bộ các giải pháp công nghệ, thiết bị chăn nuôi, vắt sữa và quản lý. Các công nghệ này hiện cũng đang được áp dụng tại hầu hết các trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại và có quy mô lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại dự án này, một số công nghệ của Liên bang Nga cũng sẽ được sử dụng.
Dự kiến vào giữa năm 2017, sản phẩm sữa TH đầu tiên sẽ ra mắt tại Liên bang Nga.
Dự án này sẽ sản xuất các sản phẩm sữa tươi sạch, chất lượng cao, cung cấp cho người tiêu dùng địa phương nói riêng và toàn Liên bang Nga nói chung, theo chuỗi sản phẩm khép kín từ đồng cỏ đến bàn ăn (chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi và phân phối đến người tiêu dùng). Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu về sữa của người dân Nga, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn sữa bên ngoài, cũng như tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ từ việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa hàng năm.
Với trái tim nhân hậu và lòng yêu mến và ngưỡng mộ nước Nga, Bà Thái Hương bày tỏ: “Dự án này là sự tri ân với những hỗ trợ to lớn mà nhân dân Nga đã dành cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh. Đồng thời chúng tôi nhìn thấy dư địa kinh doanh trong thời kỳ nước Nga bị cấm vận.”
Cũng theo Bà Thái Hương, nước Nga có đất đai rộng lớn, màu mỡ, điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nông nghiệp. Chính phủ Liên bang Nga và tỉnh Kaluga đã ban hành những chính sách hấp dẫn để phát triển ngành nông nghiệp đầy tiềm năng, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực vốn đã bị lãng quên trong một thời gian dài, đồng thời kích cầu và sản xuất trong nước, tạo lợi thế cạnh tranh nhằm thay thế nhập khẩu.
“Đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn TH”, Bà Thái Hương nhấn mạnh và nói thêm, “Đất nước của các bạn cũng đang bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp. Các bạn đã có những chính sách rất tốt để kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân. Và thực tế chúng tôi đã đến đây. Chúng tôi mong rằng, những chính sách ấy sẽ luôn được phát triển và giữ vững, và đồng hành trong suốt quá trình chúng tôi triển khai dự án. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn rằng, người tiêu dùng tại Nga sẽ đón nhận thương hiệu TH true MILK như chính là một thương hiệu quốc gia của mình”.
Tổng quan thị trường sữa Liên bang Nga
Nga là nước nhập khẩu sữa lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 12 – 15% thương mại sữa trên toàn thế giới. Liên bang Nga đang thiếu tới 40% sữa do lệnh cấm vận từ Châu Âu. Riêng tại tỉnh Moscow, tổng đàn bò mới chỉ ở mức là 224 ngàn con, sản xuất 0.637 triệu tấn sữa, đảm bảo 32% nhu cầu sữa, thiếu hụt khoảng 1.4 triệu tấn. Liên quan đến cấm vận nhập khẩu sữa từ Mỹ và các nước đồng minh, việc cung ứng sữa tại Nga càng trở nên khó khăn. Định mức tiêu thụ sữa của người Nga do Bộ Y tế Nga ban hành năm 2010 là 340kg/người/năm. Tuy nhiên,g theo khảo sát của Hiệp hội Sữa quốc tế, người dân Nga chỉ mới sử dụng 173kg/người/năm.
Quốc gia này đang kêu gọi đầu tư vào ngành sữa với các hạng mục ưu tiên như: Công nghệ đổi mới trong quản lý chăn nuôi bò sữa; Phát triển ngành nông nghiệp chăn nuôi như một dự án xã hội nâng cao thể chất quốc gia; Sản xuất sản phẩm sữa: những yếu tố thành công cho một doanh nghiệp sữa mới; Chuẩn bị hậu cần và tiếp thị để bán sản phẩm sữa.
PV

Bình luận(0)