|
Chuyến bay VN578 ngày 1/4 của Vietnam Airlines đến Đài Bắc đã phải quay lại Hà Nội sau khi cất cánh gần 1 giờ do có cảnh báo áp suất hệ thống dầu thủy lực thấp. Ảnh minh họa.
|
Sự cố kỹ thuật của máy bay Vietnam Airlines liên quan tới trục trặc của hệ thống thủy lực được cho là sẽ ảnh hưởng ít hay nhiều đến máy bay, theo đó nguy cơ đe dọa an toàn bay. Theo giới chuyên gia, mức độ nguy hiểm mà máy bay có thể gặp phải nếu có sự cố về hệ thống thủy lực đó là mất toàn bộ quyền kiểm soát bay. Còn ở mức nhẹ hơn sẽ là mất một phần kiểm soát bay như: mất lái tự động, mất khả năng tầm nhìn đích thấp do lái tự động hoặc điều khiển máy bay xuống cấp...
Ngoài ra, sự cố về hệ thống thủy lực có thể làm ảnh hưởng, thậm chí hư hại đến các hệ thống khác, đe dọa đến chất lượng của máy bay trong quá trình bay như giảm khả năng phanh, gây khó khăn cho càng hạ cánh, giảm hệ thống chống trượt...
Trên thực tế, thế giới đã xảy ra nhiều tai nạn và sự cố máy bay do hệ thống thủy lực gặp trục trặc. Ngày 19/7/1989, chuyến bay 232 của hãng hàng không United Airlines gặp sự cố về hệ thống thủy lực khi đang trong hành trình từ sân bay quốc tế Stanpleton ở thành phố Denver (Mỹ) đến sân bay quốc tế O'Hare ở thành phố Chicago, bang Illinois. Do kiểm tra trước đó không phát hiện ra một cánh quạt trong động cơ số 2 vỡ dẫn đến hư hại hệ thống thủy lực và làm hư hại hầu hết các bộ phận điều khiển máy bay. May mắn, cơ trưởng của chuyến bay đã kịp thời hạ cánh khẩn cấp và khoảng 2/3 số người trên máy bay sống sót.
Ngày 22/6/2009, một máy bay Airbus A340-300 của hãng hàng không Finnair (Phần Lan) cũng gặp sự cố với hệ thống thủy lực. Trục trặc của hệ thống thủy lực máy bay đã làm cho bộ phận cuộn hạ cánh bị hỏng nên máy bay bị dừng lại đột ngột trên đường băng và sau đó, nó được kéo vào cổng. May mắn, không có người bị thương trong vụ việc này.
Ngày 12/8/1985, máy bay Boeing 747-146SR với số hiệu JA8119 thuộc hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines, thực hiện chuyến bay từ sân bay quốc tế Haneda (Tokyo) đến sân bay quốc tế Osaka (Itami), đã bị mất kiểm soát và rơi chỉ sau 44 phút cất cánh. Sự cố khiến cho 505 người tử nạn và chỉ 4 người may mắn sống sót. Sau khi cất cánh được 12 phút, một thứ gì đó đã phát nổ phía sau máy bay. Chuyến bay bắt đầu mất kiểm soát, liên tục lao lên, bổ xuống, do áp lực dầu bên trong hệ thống điều khiển thủy lực giảm rất nhanh. Cuối cùng, chiếc máy bay xấu số đã đâm xuống đỉnh núi Osutaka thuộc Ueno, tỉnh Gunma, cách Tokyo 100km.