Dư luận đang đặc biệt chú ý đến thông tin sự việc tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6 ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Sau đó, tỉnh này lại thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Khatoco để giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô làm dự án này.
Nắm dự án trong tay, Công ty CP đầu tư Khánh Hà nhanh chóng cho máy móc “cạo trọc” cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Trong khi 5 ngôi biệt thự tại khu di tích lầu Bảo Đại đã bị xuống cấp nhưng không được trùng thu, sửa chữa. Thậm chí, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại còn dính phải nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thi công dự án như: tự ý xây dựng vượt quy hoạch, trái giấy phép xây dựng được cấp… nên bị các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa liên tục xử phạt, đình chỉ thi công.
Việc chủ đầu tư nhiều lần bị xử phạt khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng và đặt dấu hỏi: Công ty CP đầu tư Khánh Hà - Tập đoàn Hà Đô mạnh đến cỡ nào mà liên tục thách thức pháp luật trong quá trình thi công dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại?.
|
Núi Cảnh Long đang bị "cạo trọc" để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... (Nguồn ảnh: Zing.vn). |
|
Cây cối, rừng xanh trên núi Cảnh Long đang bị phá nát, thay vào đó là những công trình biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... (Ảnh: Tiền Phong). |
Theo giới thiệu trên website “hado.com.vn”, kể từ năm 1990 tới nay, từ tiền thân là Công ty xây dựng Hà Đô, Tập đoàn Hà Đô đã từng bước trở thành thành Tập đoàn đầu tư, xây dựng, tư vấn và kinh doanh hùng mạnh. Cùng với đó là 15 Công ty thành viên hoạt động chuyên nghiệp trên từng lĩnh vực.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hà Đô là ông Nguyễn Trọng Thông. Ngoài ra, thành viên của Hội đồng quản trị còn có các ông Nguyễn Văn Tô, Đào Hữu Khanh, Nguyễn Trọng Minh.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của Tập đoàn Hà Đô cho biết, doanh nghiệp này nhận mức doanh thu hợp nhất 1.907,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 508,9 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng lần lượt là 173% và 539% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, lợi nhuận của cổ đông Công ty mẹ đạt 398 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 3,254 đồng/CP.
|
Chủ tịch HĐQT và các Thành viên HĐQT Tập đoàn Hà Đô. (Ảnh chụp màn hình). |
Tập đoàn Hà Đô đã “rót” gần 159 tỷ đồng vào dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Tuy nhiên, con số này chỉ tăng khoảng 3 tỷ đồng so với tổng số vốn mà Tập đoàn này đã đổ vào dự án tính tới thời điểm ngày 1/1/2019 (gần 156 tỷ đồng).
Tập đoàn Hà Đô cho biết, bất động sản vẫn luôn là hoạt động cốt lõi đóng góp khoảng 60 -70% trong cơ cấu doanh thu, tạo sức bật tăng trưởng quy mô của doanh nghiệp này. Hà Đô cũng cho biết thêm, nguồn tiền thu tăng dần và ổn định qua các năm của mảng năng lượng và mảng văn phòng, khách sạn góp phần củng cố năng lực tài chính của Tập đoàn này.
Mục tiêu của Tập đoàn Hà Đô được xác định là phát triển và lớn mạnh không ngừng dựa trên nền tảng chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ và chiến lược kinh doanh lâu dài, từng bước trở thành một Tập đoàn đầu tư, kinh doanh bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.
Doanh nghiệp này cũng khẳng định, tiếp tục phát triển các dự án khu đô thị theo hướng hiện đại, tiện ích và dịch vụ tốt ở trong nước và quốc tế; Hợp tác và phát triển các dự án nhà ở Quân đội, dân sự; Phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn mang thương hiệu Hà Đô; Phát triển văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tại các khu đô thị lớn của đất nước; Phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời…