Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân có chiều dài 2,85 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.
Thời gian thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn - Vành đai 3 dự kiến từ 2018 đến 2020.
Hai doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư dự án này là Liên danh Công ty CP Phát triển Nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt. Đổi lại việc bỏ ra hơn 1.400 tỷ để xây tuyến đường 2,85km này, doanh nghiệp sẽ nhận gần 40ha đất vàng từ thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Đời sống & Pháp lý LOD và Bắc Việt là những cái tên khá mới mẻ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng và không có dự án nào đã xây dựng thực sự nổi bật.
Thông tin giới thiệu trên trang web cho thấy, Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD - LOD Corp tiền thân là Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài, ra đời năm 1992 trong bối cảnh tiếp nhận lại Công ty xuất khẩu thuyền viên thuộc Tổng công ty tư vấn đầu tư và dịch vụ hợp tác quốc tế GTVT - Bưu điện.
Doanh nghiệp này hoạt động chính ở khá nhiều lĩnh vực như cung ứng nhân lực, bất động sản, tư vấn đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch và thương mại.
Trong chiến lược phát triển công ty, LOD Corp cũng cho biết sẽ đầu tư có hiệu quả vào các lĩnh vực kinh doanh khác như du lịch, dịch vụ thương mại, kinh doanh bất động sản, trở thành công ty đa ngành nghề. Tuy nhiên, các lĩnh vực này hầu như không dính dáng gì đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
|
Trụ sở Công ty LOD. Ảnh: BizLIVE. |
Ngoài ra, công ty này cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vật tư, vật liệu xây dựng phương tiện và thiết bị vận tải, kinh doanh vận tải hành khách,...
Theo Sức Khỏe Cộng Đồng, LOD là chủ đầu tư các dự án như Khách sạn Hạ Long Dream, Dự án Khu nhà ở quận Hoàng Mai, Tòa nhà văn phòng Trần Thái Tông, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD.
Tuy nhiên, những dự án mà LOD đầu tư không làm nên tên tuổi của doanh nghiệp này trên thị trường địa ốc. Thậm chí, các sản phẩm BĐS của LOD có một số “lùm xùm” liên quan đến những sai phạm, bất cập trong quá trình thi công xây dựng…
Lần lượt trong những năm 2014, 2015, LOD chuyển nhượng các tòa nhà LOD (LOD Building) nằm trên đường Trần Thái Tông, cho Tập đoàn Phúc Lộc và Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ LOD tại Hưng Yên cho Bộ Công An.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, LOD cho biết sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản tại tòa nhà 924 Bạch Đằng, Hà Nội. Đồng thời tiếp tục thủ tục xin cấp đất tại Văn Giang, Hưng Yên để thực hiện đầu tư xây dựng Trường cao đẳng LOD.
Còn về Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt, theo Dân Việt, công ty này có trụ sở trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Người đại diện pháp luật là Vũ Hùng Lân và ngày cấp giấy phép là 3/10/2008. Công ty này không có website riêng.
Trong số 12 nhóm ngành nghề đăng ký kinh doanh, ngành nghề chính được giới thiệu của Bắc Việt là kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra là bán buôn máy móc, thiết bị y tế; vận chuyển hành khách bằng ô tô; xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi…
Theo Sức Khỏe Cộng Đồng, mặc dù là một cái tên khá mới trong giới bất động sản, nhưng đến năm 2011, Bắc Việt gây chú ý khi liên doanh với Công ty TNHH MTV Thống Nhất làm chủ đầu tư Dự án Thống Nhất Complex với tổng diện tích 1,8 ha, tọa lạc trên con Phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
|
Hình ảnh dự án Thống Nhất Complex. Ảnh: SKCĐ. |
Ngoài làm người đại diện theo pháp luật của Công ty Bắc Việt với chức vụ Tổng giám đốc công ty, ông Vũ Hùng Lân còn là Giám đốc và là người đại diện của chi nhánh Công ty TNHH Đại Hoàng Long tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Đại Hoàng Long là một doanh nghiệp khá nổi tiếng tại tỉnh Bắc Ninh với nhiều dự án BĐS “khủng” như Khu đô thị Đại Hoàng Long, Khu đô thị Nam Võ Cường...
Được biết, Đại Hoàng Long cũng từng tham gia góp vốn cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Suối Hoa (công ty con của tập đoàn Vingroup, đơn vị phân phối Vinhomes Bắc Ninh) xây dựng một dự án khách sạn tại Bắc Ninh.