Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 31/12/2023. Đây là quý thứ 2 mà Coteccons thay đổi niên độ tài chính (năm tài chính 2024 sẽ tính đầy đủ trên 12 tháng, từ ngày 1/7/2023 - 30/6/2024).
Trong đó, ghi nhận tại khoản mục thu nhập của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát và Ban Tổng Giám đốc, đáng chú ý, Coteccons dành mức thù lao cao nổi bật với hơn 4,18 tỷ đồng cho ông Võ Hoàng Lâm, giảm nhẹ so với mức 4,27 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng, mỗi tháng ông Lâm nhận thu nhập lên đến 700 triệu đồng.
|
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc Coteccons nhận lương hơn 4,18 tỷ đồng trong 6 tháng, tương ứng 700 triệu đồng/tháng. Ảnh: Internet.
|
Ông Võ Hoàng Lâm được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Coteccons từ tháng 8/2022, sau gần 2 năm doanh nghiệp “khuyết” vị trí này kể từ cuộc biến động thượng tầng. Ông Lâm được giới thiệu đã có gần 17 năm làm việc tại Coteccons, trải qua nhiều vị trí quan trọng như Chỉ huy trưởng, Giám đốc dự án, Giám đốc khối Kinh tế... Ngoài ra, ông còn từng kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc công ty thành viên Unicons. Trong biến cố thượng tầng năm 2020, ông Lâm là một trong số ít người ở lại.
Tại Coteccons, mức thu nhập của Tổng Giám đốc hiện cao hơn 2 lần so với các vị trí Phó Tổng Giám đốc. So với mức thu nhập của Chủ tịch HĐQT Coteccons là ông Bolat Duisenov (hơn 90,2 triệu đồng/6 tháng), ông Lâm đang được chi trả cao hơn 46,5 lần. Cùng kỳ năm ngoái ông Bolat Duisenov còn không nhận đồng nào.
Trên thực tế tại Coteccons, mức thù lao trả cho các lãnh đạo rất cao. Ông Christopher Senekki, cựu Phó Tổng Giám đốc (miễn nhiệm từ 25/8/2023), cũng đã nhận thù lao gần 4,3 tỷ đồng cho kỳ này năm ngoái.
Tại Coteccons, một vị sếp khác là ông Trần Văn Lâm, Tổng Giám đốc Unicons, nhận về 2,27 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái ông Trần Văn Lâm cũng nhận về gần 1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, dàn lãnh đạo có thu nhập tiền tỷ nửa đầu năm qua tại Coteccons còn có bà Phạm Thị Bích Ngọc, Phó Tổng Giám đốc nhận hơn 1 tỷ đồng do mới nhậm chức từ tháng 8/2023. Trong khi đó, ông Phạm Quân Lực và ông Nguyễn Ngọc Lân, đều là Phó Tổng Giám đốc, mỗi người nhận về lần lượt hơn 1,9 tỷ đồng và hơn 1,8 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm. Mặt khác, các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát của Coteccons nhận mức thu nhập dao động từ 48 – 600 triệu đồng/6 tháng.
Nhờ giảm đi 1 số lãnh đạo, (ông Christopher Senekki, ông Karrabukaev Ruslan...), nửa đầu năm tài chính 2023 - 2024, tổng tiền chi thù lao cho các lãnh đạo cấp cao của Coteccons đã giảm đáng kể từ 19,7 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 12,5 tỷ đồng - tương ứng giảm được 7,2 tỷ đồng.
Lãi bằng lần, hơn 4.300 tỷ gửi ngân hàng
Về tình hình kinh doanh, kết thúc nửa niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023), Coteccons ghi nhận gần 9.784 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, đóng góp chính đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng với 9.769 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lãi ròng tăng đột biến gấp 8,8 lần cùng kỳ, lên gần 136 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, Coteccons có tổng tài sản gần 21.652 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm và tập trung chủ yếu tại tài sản ngắn hạn với hơn 19.889 tỷ đồng, chiếm 92%. Đáng chú ý, Coteccons nắm hơn 2.842 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 51% so với đầu năm, toàn bộ là tiền gửi tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 1.768 tỷ đồng, giảm 19%, trong đó có hơn 1.462 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 1 năm. Qua đó, tổng số tiền mà Coteccons đang “cất” tại ngân hàng là hơn 4.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng gần 11.670 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với cùng kỳ. Hạng mục hàng tồn kho của Coteccons ở mức hơn 2.663 tỷ đồng, giảm 17%, chiếm phần lớn là các chi phí công trình dở dang hơn 2.645 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng đột biến lên gần 120 tỷ đồng, gấp 3,6 lần đầu năm, do phát sinh chi phí tại bất động sản Gem Sky World (Đồng Nai) gần 87 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, Coteccons còn hơn 13.244 tỷ đồng nợ phải trả, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, khoản vay ngắn hạn gần 582 tỷ đồng, khoản vay dài hạn 496 tỷ đồng. Hiện, Coteccons vẫn đang sở hữu 14,43% vốn tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.