Liên quan vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, cơ quan CSĐT – CATP HCM kết luận, Tổng giám đốc Công ty Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Dư luận đặt câu hỏi về 22 công ty con của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba rao bán gần 50 dự án ma là như thế nào?
“Soi” các công ty con của Tập đoàn địa ốc Alibaba
Tập đoàn địa ốc Alibaba tự giới thiệu có đến hơn 20 công ty con và hơn 2500 nhân sự, triển khai đến 48 dự án với tổng diện tích đất gần 29.000 m2 đất nền. Đáng chú ý, số vốn điều lệ của công ty Alibaba lên đến 5600 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được thành lập vào tháng 5/2016 với vốn điều lệ ban đầu chỉ là 1 tỷ đồng. Đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989). Tháng 12/2016, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng. Đến tháng 9/2017 công ty này trở thành “Thánh Gióng” khi tăng vốn điều lệ gấp 80 lần (lên thành 1.600 tỷ đồng).
Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM, thành lập cuối năm 2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản. Công ty có 3 cổ đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng của Alibaba Tây Bắc lớn đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali được Nguyễn Thái Luyện thành lập cuối năm 2010, có vốn điều lệ 100 triệu đồng. Tuy nhiên đến giữa năm 2017, Nguyễn Thái Luyện báo vốn điều lệ của Công ty này lên đến 100 tỷ đồng…
|
Ông Nguyễn Thái Luyện. |
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh do ông Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em ruột của ông Lĩnh và ông Luyện) hiện là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật có trụ sở văn phòng đại diện của công ty này tại số 120 - 122 đường Khan Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM. Công ty này được thành lập vào tháng 11/2017 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
CTCP Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Alibaba mới được thành lập ngày 2/8/2019, có địa chỉ trụ sở chính tại số 35 đường 27, Khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM. Vốn điều lệ 50 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập. Trong đó, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Đào Thị Thanh Lợi (SN 1994), chỗ ở hiện tại là số 120 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM – trùng với địa điểm kinh doanh hiện tại của CTCP Địa ốc Alibaba. Ông Nguyễn Thái Luyện nắm quyền Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của CTCP Thương mại và Dịch vụ Địa ốc Alibaba. Đặc biệt, công ty này đã đứng ra ký hợp đồng, thu tiền đặt cọc của khách hàng tại dự án Venice City ở TP. Phan Thiết, Bình Thuận (dự án đã bị tỉnh Bình Thuận cảnh báo là dự án "ma") – dự án được quảng cáo do CTCP Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư.
Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép hoạt động từ ngày 20/4/2018, có trụ sở tại khu 3, ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Người đứng tên đại diện công ty này là ông Trần Huy Phúc, chuyên làm ăn trong lĩnh vực bất động sản. Mới đây, Chi cục Thuế Đồng Nai phát hiện hoá đơn thuế của Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép có dấu hiệu bất thường liên quan Công ty Alibaba.
Trên fanpage Địa ốc Chiến Binh Thép, công ty này giới thiệu chuyên môi giới bất động sản tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An… , giới thiệu với khách hàng thông tin dự án mới và cam kết sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho khách hàng mua để ở hoặc đầu tư.
Bước đầu cơ quan công an xác định, Công ty Chiến Binh Thép này cũng nằm trong sự điều phối của ông Luyện nhằm chiêu dụ, lừa đảo hách hàng mua bán đất nông nghiệp mà chúng “nổ” thành các dự án hoành tráng.
Công ty CP địa ốc Tia Chớp cũng thuộc công ty địa ốc Alibaba, có văn phòng giao dịch ở số 183 Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức. Công ty địa ốc Tia Chớp vừa khai trương hồi đầu tháng 6, do bà Trương Thị Hồng Ngọc đứng tên là Giám đốc, người đại diện pháp luật và có trụ sở tại xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Tuy nhiên, thời điểm tháng 6, khi khai trương, ông Nguyễn Thái Luyện tự hào giới thiệu đây là văn phòng thứ 11 của địa ốc Alibaba.
Ngoài ra Địa ốc Alibaba còn nhiều công ty con khác như Công ty cổ phần Bất động sản Địa ốc Big Bang; Công ty cổ phần Bất động sản Địa ốc Chiến Thắng; Công ty cổ phần Bất động sản Địa ốc Ali Land; Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển Spartaland; Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển TL Land; Công ty cổ phần Ali Xanh; Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108 và Công ty cổ phần Địa ốc Long Thành Ali…
Rao bán hàng loạt dự án “ma”
Đáng chú ý, 22 công ty con do các cổ đông của địa ốc Alibaba lập rao bán gần 50 dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất vẽ trên giấy, chưa có một ai vào ở. Điểm bất thương hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trên dù đã thành lập từ 1-2 năm nhưng lại không phát sinh bất cứ hoạt động giao dịch nào.
Cụ thể, cuối năm 2017, dù chưa được chấp thuận đầu tư nhưng công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Địa ốc Alibaba đã tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền, thu tiền đặt chỗ của khách hàng tại dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực III - 3”. Đây là dự án “bánh vẽ” của 2 công ty này tại khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Dự án này đang được thành phố mời gọi đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô bán nền.
|
Cảnh sát cơ động khám xét văn phòng Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh. Ảnh Zing. |
Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Địa ốc Alibaba chưa thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư nên không có tư cách xưng là chủ đầu tư. Để giải quyết cho những khách hàng đã đặt cọc, Địa ốc Alibaba sau đó đã trả lại tiền.
Tại tỉnh Đồng Nai, báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai cho thấy, từ năm 2016 đến tháng 7/2019, doanh nghiệp này đã quảng cáo 29 “dự án” khu dân cư tại các huyện như Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc.
Trong đó, nhiều nhất là huyện Long Thành có đến 27 “dự án”. UBND huyện từng ra hàng loạt quyết định xử phạt hành chính với Địa ốc Alibaba về các hành vi như chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không thông báo khởi công công trình và buộc tháo dỡ bảng quảng cáo, đình chỉ hoạt động xây dựng trái phép.
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, việc Địa ốc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư để phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế, cam kết ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư 100% là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cuối tháng 7/2019, UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp cùng UBND xã Châu Pha cưỡng chế công trình vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ Hà Nội). Khu đất này được Địa ốc Alibaba phân phối với tên gọi dự án “Alibaba Tân Thành Center City 1”.
Ngày 13/6/2019, UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ cũng cưỡng chế hành chính, buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi làm thay đổi hiện trạng mục đích sử dụng đất trên đất nông nghiệp tại ấp 3, xã Tóc Tiên do ông Nguyễn Thái Lực (ngụ TP.HCM) đứng tên sử dụng. Trong khi đoàn công tác đang thực thi công vụ thì bị nhiều nhân viên Địa ốc Alibaba cản trở, đập phá máy móc. Cơ quan công an địa phương sau đó bắt giữ 2 nhân viên của Địa ốc Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Quốc Tĩnh (24 tuổi, quê Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Tại tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận từngđưa ra cảnh báo về dự án “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân.Theo đó, cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng dự án của Địa ốc Alibaba, do đó việc công ty này rao bán đất nền phân lô trên mạng về dự án là không đúng thực tế, không đúng quy định.
Khu đất Địa ốc Alibaba “vẽ” dự án “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” hiện là đất trồng cây keo lá tràm, chưa giải phóng mặt bằng do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của các hộ dân. Ngoài dự án nói trên, Địa ốc Alibaba còn mở bán dự án “Ali Venice City” ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Tuy nhiên, chính quyền xã cho hay, không hề có dự án nào có tên gọi “Ali Venice City” và xã đã dựng bảng cảnh báo cho người dân biết.
Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha giao cho các cá nhân đứng tên, tự "vẽ" ra hơn 40 dự án “ma” tại Đồng Nai (29 dự án); Bà Rịa - Vũng Tàu (9 dự án); Bình Thuận (2 dự án).
Tất cả dự án này Công ty Alibaba chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án. Sau đó, Công ty Alibaba tổ chức quảng cáo sai sự thật để bán cho khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba. Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty Alibaba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cơ quan công an, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can trên là để điều tra, xác minh các sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.