Cà phê: Vừa uống vừa run
Thông tin trên báo Người lao động, tại cuộc tọa đàm “Cà phê “bẩn”: Thực trạng và giải pháp” do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức hôm 20/7 , ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa cho biết: “Mỗi năm chúng ta xuất khẩu tới 1,7 triệu tấn cà phê thu về cho đất nước 3 tỉ đô la/năm nhưng tại sao người dân thì chưa uống được một ly cà phê chất lượng đúng nghĩa. Cà phê trộn thì phải công bố là cà phê trộn. Còn bột ngũ cốc có pha hương vị phụ gia cà phê thì phải nói rõ ra. Đã gọi là cà phê thì phải ra cà phê chứ…”.
Theo Vinastas, trong tháng 6 và 7/2016, Vinastas đã thực hiện khảo sát hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.
Kết quả phân tích cho thấy gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (30,04%) có hàm lượng cafein rất thấp, đặc biệt đáng báo động có 5 mẫu trong số đó hoàn toàn không có cafein. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người uống cà phê mà không có cà phê. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán quen thuộc hằng ngày là các quán cà phê vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt. Trong khi đó, gần phân nửa (47,54%) trên tổng số các mẫu khảo sát mua tại xe đẩy, căn tin bệnh viện và vỉa hè cho thấy không phát hiện hàm lượng cafein hoặc có rất ít.
Theo ông Đinh Văn Mạnh, Phó Đội trưởng phòng 7 Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), từ năm 2012, qua thanh kiểm tra 20 doanh nghiệp, cơ sở… hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê, công an đã bắt giữ khỏang 100 tấn cà phê không bảo đảm chất lựơng, xử phạt 1 tỉ đồng. Ba hành vi vi phạm của các cơ sở này gồm: Pha ngũ cốc (bắp, đậu nành, có cơ sở sử dụng 100% là đậu nành); sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng (hương vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ); đóng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làm thủ công, khu phố vắng vẻ ít ai để ý. Sản phẩm các đơn vị này cung cấp cho thị trường miền Tây, Campuchia và vỉa hè.
|
Hỗn hợp hóa chất tạo mùi cho cà phê. Ảnh: Tiền Phong |
Tin tức trên báo Trí thức trẻ, theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49, từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã tiến hành rất nhiều đợt thanh kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, xử lý hơn 20 doanh nghiệp cơ sở sản xuất cà phê các loại, thu hàng trăm tấn trị giá hàng tỉ đồng.
C49 cho biết, các hành vi vi phạm của các đơn vị chủ yếu là pha trộn ngũ cốc, bắp đậu nành để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nhưng khi công bố và trên bao bì sản phẩm luôn ghi là café 100% nguyên chất.
Ngoài pha trộn bột bắp, bột đậu, theo C49, doanh nghiệp còn sử dụng hương liệu vị cà phê để biến bột ngũ cốc thành cà phê bột, cà phê hòa tan.
Có trường hợp C49 điều tra phát hiện doanh nghiệp sử dụng nhiều đường hóa học như sodium cyclamate để khi rang bắp đậu nành cháy đến độ nào đấy thì họ cho đường này vào. Hoặc tạo độ đắng bằng thuốc kí ninh và rất nhiều loại hóa chất khác.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng VN là cường quốc về sản lượng cà phê nhưng người tiêu dùng luôn lo lắng phập phồng khi sử dụng. Đó là điều nghịch lý. Trong ly cà phê có gì?. Cà phê làm từ đậu nành, bắp, tẩm ướp hương vị không rõ nguồn gốc. Nhiều người lo ngại cho sức khỏe người tiêu dùng do cà phê rang không đúng nhiệt độ sinh ra nhiều độc chất. Vì lợi nhuận, các chủ cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan để pha trộn cà phê.
Thông tin trên báo Đại đoàn kết, ngày 15/7, theo nguồn tin riêng của phóng viên, đoàn thanh tra liên ngành của Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm Môi trường (C49) phối hợp với Chi cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc thanh tra bất ngờ tại bốn cơ sở sản xuất cà phê tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tổng số lượng hàng hóa Đoàn thanh tra quyết định tạm thu giữ tại 4 cơ sở lên đến hơn 25 tấn, trong đó bao gồm 19 tấn cà phê và đậu nành chưa rang, hơn 1 tấn hương liệu phụ gia thực phẩm, và hơn 4 tấn hỗn hợp bột cà phê thành phẩm, hạt cà phê và đậu nành rang tẩm hóa chất, hương liệu phụ gia các loại.
Chủ cơ sở kinh doanh cà phê T.D khai nhận tỷ lệ phối trộn cà phê là tỷ lệ 60% cà phê + 40% đậu nành, bắp rồi tẩm ướp hương cà phê, bơ, nước mắm và màu caramen, sau đó mang đi rang xay thành cà phê bột bán ra thị trường với giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/ký. Có trường hợp 100% cà phê làm từ đậu nành tẩm hương hiệu hóa chất, cà phê chiếm tỷ lệ 0%.
Cần sự minh bạch từ các "ông lớn" ngành cà phê
Góp mặt trong buổi tọa đàm, ngoài sự hiện diện của đại diện các ban ngành chức năng còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp cà phê lớn như Nescafe, Vinacafe, Mê Trang, Milano...
Trước câu hỏi thẳng thắn của tọa đàm: “Các doanh nghiệp nhỏ sản xuất cà phê trộn đã đành, còn cà phê của các thương hiệu lớn của các anh có trộn không?” Nhiều đại diện của các hãng này đành thừa nhận việc trộn “các thành phần khác” là không thể thiếu đối với các dòng sản phẩm cà phê có giá thành thấp.
Họ cũng giải thích việc trộn đậu nành, bắp và hương liệu, phụ gia vào cà phê là để chiều theo gu thương thức cà phê sánh, đậm, đắng của người Việt lâu nay. Khi được hỏi liệu có bao nhiêu phần trăm đậu nành trong sản phẩm cà phê được quảng cáo là “Thứ thiệt”, họ từ chối công bố vì cho rằng đây là “bí quyết riêng”.
“Điều kiện quy chuẩn của Nestle là tất cả các sản phẩm đều có ghi trên bao bì sản xuất là có đậu nành vì đậu nành có thể gây dị ứng và trong quá trình sản xuất có thể bị lẫn đậu nành vào sản phẩm. Còn việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm thì sẽ lộ bí quyết kinh doanh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi luôn đảm bảo công bố cụ thể thông tin đó.Tuy nhiên khi đưa ra thông tin trên bao bì thì chúng tôi chỉ công bố những thành phần chính, những nguyên liệu chính và những thông tin không có ý nghĩa về mặt tiêu dùng thì chúng tôi không ghi lên vì đó là hành động bảo vệ thông tin bảo mật về thành phần sản phẩm”, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phản ứng: “Công khai thành phần phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tự công bố theo Luật An toàn thực phẩm.Trong đó nếu anh đã thông bố thành phần thì chắc chắn anh phải công bố hàm lượng, chứ không thể gọi là bí quyết. Tại sao vẫn là chất này nhưng không sản xuất ra sản phẩm như thế, đó mới là bí quyết. Chứ bí quyết không phải là 12% - 13% đậu nành, chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: “Đối với doanh nghiệp lớn, thì giải pháp đầu tiên là tự khai. Chi cục tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu doanh nghiệp kê khai, đóng dấu là sử dụng hay không cà phê 100% sau đó sẽ sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm tra xem doanh nghiệp có gian lận hay không. Sau đó công bố. Khai trước rồi kiểm tra và công bố công khai. Nếu sai thì tố cáo trước công chúng và cảnh cáo các doanh nghiệp gian lận”.
Rõ ràng cuộc chiến chống lại cà phê bẩn, cà phê giả không chỉ là cuộc chiến của riêng các ban ngành chức năng. Nhất là trong tình hình hiện nay khi Việt Nam vẫn chưa hề có một quy chuẩn quốc gia về cà phê như nước láng giềng Thái Lan, vậy nên chất lượng cà phê Việt rất thất thường, phức tạp tùy theo cách làm của các nhà sản xuất khác nhau.
Và như một cú hích đầu tiên cho lời tuyên chiến này, ngay tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tân Kỷ - Giám đốc Vinacafe Biên Hòa đã mạnh miệng tuyên bố: “Từ ngày mai công ty chúng tôi sẽ bắt tay vào nghiên cứu cà sản xuất loại cà phê 100% chỉ có cà phê, không pha trộn. Cà phê thì phải làm từ cà phê!”.
Hy vọng sự quyết tâm của doanh nghiệp là thật, cùng với sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các ban ngành liên quan, chúng ta mới có cơ may chiến thắng trong cuộc chiến với cà phê bẩn, độc, trộn ngay trên vùng đất cà phê.
>>> Mời quý độc giả xem video Thực phẩm bẩn (nguồn VTV):