Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Phước tổ chức vào chiều 7/10, đại diện Cục quản lý thị trường tỉnh này thông tin ban đầu về tình trạng hàng loạt cây xăng trên địa bàn ngưng bán, treo biển hết xăng.
Ngưng bán vì hết nguồn cung
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường Bình Phước, cho biết 5 ngày qua đơn vị nhận hơn 70 cuộc gọi báo tin của người dân về tình trạng nhiều trạm xăng trên địa bàn, trong đó chủ yếu huyện biên giới Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng, xảy ra tình trạng hàng loạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, treo biển hết hàng.
Theo bà Loan, ngày 3/10, có 16 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn treo bảng hết hàng, hai ngày tiếp theo có 64 và 65 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc hết dầu, có nhiều cửa hàng hết cả xăng và dầu. Còn ngày 6/10 có 54 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc dầu.
“Đến chiều 7/10, qua báo cáo cáo từ các đơn vị, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn đã dần ổn định. Một số cửa hàng thông báo hết hàng từ những ngày trước đã nhập hàng trở lại. Hiện, chỉ còn 16 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc dầu”, bà Loan thông tin.
Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường Bình Phước cũng cho biết sau khi nhận tin báo của người dân, đơn vị đã cử lực lượng trực tiếp đi kiểm tra đột xuất các điểm ngưng bán hoặc treo biển hết hàng để làm rõ.
|
Người dân chen lấn để mua xăng ở huyện Bù Gia Mập. Ảnh: Lê Ngân.
|
“Qua kiểm tra những cửa này nghỉ bán là do không có nguồn hàng. Có 3 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ ở Bình Phước, tuy nhiên gần đây có 2 doanh nghiệp thông báo hết hàng, chỉ còn một đơn vị còn xăng dầu nhưng với số lượng ít nên xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu”, bà Loan thông tin thêm.
Xử lý nghiêm đơn vị găm hàng
Như đã phản ánh, từ ngày 3/10, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập xảy ra tình trạng hàng loạt trạm xăng ngưng bán, treo biển hết xăng khiến người dân gặp khó khăn.
Gần một tuần qua, hàng nghìn người chật vật khi phải đi xa để mua xăng hoặc chấp nhận đổ xăng lẻ với giá cao.
Trên địa bàn các xã biên giới Bù Gia Mập và Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) phải đi hàng chục km mới mua được số lượng ít xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Riêng tại xã Đa Kia có 6 trạm xăng dầu thì 4 trạm treo bảng hết hàng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các xã khác, như Phú Văn, Đức Hạnh, Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập).
Theo người dân, trong các ngày 3-5/10, họ phải chen lấn ở một số cây xăng còn mở bán để mua vài lít xăng dầu phục vụ đi lại, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm người phải xếp hàng 1-2 tiếng đồng hồ nhưng cũng chỉ mua được số lượng xăng rất ít.
Trong khi đó, một số địa bàn không còn cây xăng mở bán như ở xã Đắk Ơ, người dân phải đi xa hàng chục km để mua xăng hoặc chấp nhận đổ xăng lẻ ở các tạp hóa có tích trữ xăng với giá 30.000/lít.
|
Người dân tích trữ xăng rồi bán lẻ với giá 30.000/lít. Ảnh: Lê Ngân.
|
“Thiếu xăng khiến việc đi lại của gia đình gặp khó khăn, nhà mình lại ở xã trung tâm nên phải dùng xe máy đưa rước con cái đi học hàng chục cây số. Với giá 30.000 đồng/lít xăng cũng khiến cuộc sống khó khăn hơn”, anh Điểu Xưng - ở thôn 3, xã Đắk Ơ - cho biết.
Ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ xác nhận có tình trạng người dân lợi dụng tình hình để tích trữ xăng dầu để bán với giá cao kiếm lời. “Những trường hợp bán xăng nhỏ lẻ trên địa bàn với giá 30.000 đồng/lít, lực lượng chức năng xã sẽ đến xử lý và khuyến cáo người dân không trữ xăng nhiều để tránh hỏa hoạn”, ông Hóa nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn xã Đắk Nhau và Đường 10 (huyện Bù Đăng).
“Thời gian tới Cục quản lý thị trường Bình Phước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu và phân bón. Đơn vị sẽ phối hợp các ngành chức năng liên quan kịp thời tiếp nhận xử lý thông tin người dân cung cấp, triển khai nhanh các biện pháp nghiệp vụ, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi găm hàng hoặc vi phạm khác nếu có” bà Nguyễn Thị Thanh Loan khẳng định.