Thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp vẫn hụt hơi
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hết năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Năm 2021, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,38%, nhưng TMĐT vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định 16% và đạt 13,7 tỷ USD. Thậm chí, hình thức bán hàng qua livestream trên các mạng xã hội (MXH) và các sàn TMĐT đã mang về doanh thu khủng cho nhiều người bán hàng.
Sáu tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, số thuế thu từ các doanh nghiệp, cá nhân/hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vào khoảng 9.649 tỷ đồng; trong đó số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện 130 tỷ đồng, đạt 121% cùng kỳ năm trước; số thu từ doanh nghiệp thực hiện 9.519 tỷ, tăng trưởng bằng 158,6%.
|
Quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 400 tỷ đô trong năm 2023 tại Việt Nam, theo dự đoán của GlobalData |
Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp TMĐT nội địa vẫn còn đang “lép vế” và có phần “hụt hơi” so với các doanh nghiệp TMĐT quốc tế.
Những ý kiến này một phần đến từ thực tế là trong khoảng 2 năm trở lại đây, sức cạnh tranh của các sàn TMĐT Việt Nam như Tiki, Sendo đang chững lại, mất thị phần về doanh nghiệp ngoại.
Nếu nhìn thị phần thương mại điện tử qua những kiện hàng thì trong năm 2022, 100 kiện hàng được giao đến tay người dùng tại Việt Nam đã có đến 60 kiện của Shopee, 20 kiện của Lazada - đều là các thương hiệu ngoại. Còn các sàn thương mại điện tử Việt như Tiki là 6, Sendo là 4.
Đáng chú ý là TikTok Shop một cái tên nước ngoài mới chỉ vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam 1 năm nay đã chiếm được 4% thị phần ngang với Sendo. Điều này cho thấy dấu hiệu chững lại của nhóm doanh nghiệp nội trên đường đua thương mại điện tử.
Nghiên cứu của Momentum Works cho thấy, tổng giá trị hàng hóa qua sàn Tiki năm 2022 đã giảm 7% so với năm trước đó. Đáng chú ý là có đến 45% lượng giao dịch này là do Tiki tự phân phối. Giới quan sát đánh giá với thị trường đang phát triển như Việt Nam, cách làm này ngốn nhiều chi phí.
Bà Weihan Chen - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Momentum Works (Singapore) đánh giá: "Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam hầu như chỉ thu hút các nhà bán hàng nội địa. Nhưng các sàn đa quốc gia họ không chỉ thu hút nhà bán hàng tại Việt Nam, mà còn rất nhiều nhà bán khác trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc - nơi có chuỗi cung ứng rất phát triển. Điều này tạo ra lợi thế về tối ưu bán hàng. Trong khi nhóm doanh nghiệp Việt bị hạn chế về đa dạng nguồn cung hàng hóa cho khách hàng".’
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho hay: "Tính cạnh tranh gay gắt có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam "đuối hơi" trong cuộc chạy đua này. Thay vì đấu đầu trực tiếp vào mảng thương mại điện tử toàn cầu thì nên nhắm vào các thị trường nhỏ, ngách để phát huy thế mạnh".
Thuế chưa tương xứng với doanh thu quảng cáo
Có thể thấy, hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã có điều kiện tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cục thuế, yêu cầu tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Điển hình là Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
|
Việc truy thu thuế từ các nền tảng kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều hạn chế |
Tuy nhiên, vấn đề thu thuế từ các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới là bài toán khó đối với cơ quan quản lý trong thời gian dài. Thông tin từ Tổng cục Thuế cho hay, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới hoạt động xuyên biên giới có thu nhập lớn tại Việt Nam.
Trong đó, chỉ riêng doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD/năm, riêng Google và Facebook chiếm hơn 80%, tức hơn 800 triệu USD.
Song đáng lưu ý, dù doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng số tiền thuế Việt Nam thu được từ 15 tập đoàn trên rất ít ỏi, chỉ hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số tiền này không phải do họ chi trả, mà họ buộc các nhà thầu, đại lý phải nộp, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.
Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường.
Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, mặc dù Tổng cục Thuế đã thiết lập cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam để đăng ký, kê khai nộp thuế nhưng việc quản lý rất khó. Bởi đặc thù của công ty công nghệ là có thể vận hành từ xa, máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát.
Thực tế cho thấy, với mô hình hoạt động xuyên biên giới, không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, việc quản lý, giám sát, thu thập thông tin, số liệu rất khó khăn, khiến công tác kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế. Điều này đặt ra yêu cầu phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động này.