Ngân hàng tăng tuyển dụng nhân sự
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023, tính đến 30/9, 27 ngân hàng thương mại cổ phần đang niêm yết có tổng cộng 232.158 người lao động. Con số này tăng thêm 2.622 người so với thời điểm 31/12/2022.
Trong 10 ngân hàng có số lượng cán bộ nhân viên (CBNV) lớn nhất hệ thống (trừ Agribank), số lượng nhân viên đều từ trên 10.000 người.
Dẫn đầu trong Top 10 là BIDV với 26.108 người, tăng 377 người so với cuối năm 2022. Vietcombank đứng thứ hai với 22.771 người, tăng 906 người.
Lần lượt các ngân hàng tiếp theo dẫn đầu về số lượng CBNV là: VietinBank (22.386 người, giảm 493 người); Sacombank (17.384 người, tăng 6 người); VPBank (13.065 người, tăng 48 người); ACB (12.984 người, tăng 380 người); VIB (11.444 người, tăng mạnh 1.504 người); Techcombank (10.938 người, giảm 607 ngườ)i; LPBank (10.333 người, giảm 1.870 người) và MB (10.320 người, tăng 334 người so với cuối năm ngoái).
VIB và Vietcombank có số lượng CBNV tăng nhiều nhất, lần lượt là 1.504 người và 906 người.
Ngược lại, LPBank, Techcombank và VietinBank ghi nhận sự sụt giảm về số lượng CBNV. Trong đó, LPBank biến động mạnh về nhân sự với hơn 1.800 người.
Một số ngân hàng nhỏ cũng có sự sụt giảm về số lượng CBNV trong 9 tháng qua gồm: Eximbank, NCB, ABBank, SeABank, TPBank. Trong đó, TPBank giảm mạnh nhất, hơn 800 người.
Trong khi các ngân hàng quy mô lớn có số lượng CBNV lên đến hàng chục nghìn người, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ lại có số lượng nhân sự cực kỳ khiêm tốn, thậm chí còn ít hơn số lượng nhân sự sụt giảm của LPBank.
Cụ thể, 3 ngân hàng đang có số lượng CBNV dưới 2.000 người là Saigonbank (1.420 người), Viet A Bank (1.526 người) và PG Bank (1.723 người).
Đóng góp của nhân viên vào lợi nhuận ngân hàng
Xét về mức đóng góp của nhân viên thông qua lợi nhuận trước thuế, nhân viên của Ngân hàng MB đang cho thấy sự vượt trội hơn cả. Với mức lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm hơn 18.800 tỷ đồng, bình quân mỗi nhân viên đem lại cho ngân hàng này hơn 1,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm.
Chi tiết hơn, mỗi nhân viên đóng góp cho ngân hàng trên 203 triệu đồng lợi nhuận trước thuế mỗi tháng, trong khi thu nhập bình quân (lương, phụ cấp) của họ đang xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng, cao thứ hai trong hệ thống.
Những nhân viên nhà bầu Hiển đứng thứ hai về mức độ hiệu quả khi đóng góp bình quân của CBNV cho lợi nhuận trước thuế của SHB 9 tháng đầu năm là 1,5 tỷ đồng, tương đương hơn 166 triệu đồng/người/tháng.
Techcombank là ngân hàng đang dẫn đầu về mức đãi ngộ cho nhân viên với thu nhập bình quân của nhân viên lên đến 45 triệu đồng/tháng.
Những nhân viên của Chủ tịch Hồ Hùng Anh cũng cho thấy họ xứng đáng ra sao với mức đãi ngộ đó khi mỗi người đem về cho ngân hàng 1,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm.
Đứng kế tiếp là Vietcombank khi mức đóng góp bình quân của mỗi nhân viên cho lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm là 1,26 tỷ đồng, tương đương 140 triệu đồng/tháng.
Vietcombank hiện đứng thứ ba toàn hệ thống về trả lương nhân viên, bình quân 37,5 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, những ngân hàng dẫn đầu về mức đãi ngộ sẽ nhận được những đóng góp tương xứng từ nhân viên.
Thế nhưng vẫn có ngoại lệ. Với ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy, nhà băng này đang trả mức lương bình quân thấp nhất hệ thống (chỉ hơn 13 triệu đồng/tháng), thế nhưng ACB lại bất ngờ đứng vị trí thứ 5 về mức đóng góp bình quân của nhân viên cho lợi nhuận trước thuế.
Bình quân mỗi nhân viên ACB đem lại cho ngân hàng hơn 1,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 3 quý đầu năm, tương đương hơn 124 triệu đồng/tháng.
Cũng chỉ có 5 ngân hàng nói trên (MB, SHB, Techcombank, Vietcombank, ACB) có mức đóng góp bình quân của nhân viên trên 1 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm.
Một số ngân hàng tiệm cận mức này như HDBank (926 triệu đồng), MSB (855 triệu đồng) và VPBank (840 triệu đồng).
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng nhỏ, ghi nhận mức đóng góp bình quân của nhân viên vào lợi nhuận chỉ ở mức rất thấp. Thậm chí có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế/nhân viên dưới 200 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm.