Nguyên nhân thua lỗ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã được đơn vị kiểm toán độc lập Deloitte thực hiện.
Các số liệu cho thấy, lý do lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến từ việc giá mua điện cao hơn giá bán ra, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.
Theo báo cáo, sau kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26.500 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20.700 tỷ đồng.
Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463.000 tỷ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, với trên 456.000 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của EVN giảm hơn 50%, xuống 7.382 tỷ đồng. EVN lý giải lãi do chênh lệch tỷ giá giảm tới 7.000 tỷ đồng, từ 10.446 tỷ đồng còn 3.442 tỷ đồng. Tương tự, lãi tiền gửi, trái phiếu, ủy thác cũng giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 24% lên 18.192 tỷ đồng (chủ yếu do chênh lệch tỷ giá); chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 6.172 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng nhẹ, ở mức 14.381 tỷ đồng.
Kết quả, EVN ghi nhận lỗ 19.515 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế là 20.747 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỷ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn điện lại lên tới hơn 402.600 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29.700 tỷ đồng. Trong khi năm 2021, giá vốn điện của EVN chỉ là 331.600 tỷ đồng.
Như vậy năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Lý do chủ yếu bởi giá than tăng cao. Điều này không xảy ra trong năm 2021.
Trước đó, kết quả kiểm tra của Bộ Công thương về chi phí giá thành sản xuất điện cho thấy: tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Năm 2021, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Còn giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.854,44 đồng/kWh. Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 cao hơn giá bán lẻ điện bình quân ngưỡng 177,82 đồng/kWh.
Theo EVN, năm 2022 giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022.
Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.
Trong cơ cấu tài sản, khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn mà EVN nắm giữ hơn 101.527 tỷ đồng. Khoản tiền gửi đã mang về cho tập đoàn hơn 3.700 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua.
Nếu so sánh với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và các tổng công ty Nhà nước khác, EVN đang là tập đoàn có lượng tiền mặt lớn nhất. Những tổng công ty, tập đoàn nổi tiếng với lượng tiền mặt lớn như PV Gas, BSR, Hòa Phát, ACV... cũng không có lượng tiền nhiều bằng EVN.
Nhiều công nợ tiềm tàng
Tại báo cáo hợp nhất năm 2022, đơn vị kiểm toán cũng đã chỉ ra một loạt công nợ tiềm tàng của EVN. Trong đó, có khoản công nợ liên quan tới dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ngày 22/11/2016, Quốc hội thông qua nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đơn vị kiểm toán, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, EVN vẫn chờ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý tài chính đối với dự án này.
Ngoài ra, EVN cũng phải đối mặt với một loạt công nợ tiềm tàng có thể dẫn tới thay đổi chi phí nhiên liệu trong giá thành điện dẫn đến giá mua điện thay đổi.
Cụ thể, tập đoàn này đang ghi nhận chi phí vận chuyển, thu gom khí mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng thông qua hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1) vào giá thành điện theo đơn giá tạm tính được xác định tại công văn số 57 Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-1-2016 và được áp dụng từ năm 2015 cùng các văn bản làm việc giữa Tổng công ty Khí Việt Nam - công ty cổ phần và EVN.
Theo đó, giá cước phí vận chuyển, thu gom khí này sẽ được điều chỉnh lại theo giá trị quyết toán công trình của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên tại ngày lập BCTC hợp nhất này, tập đoàn chưa nhận được thông tin về việc phê duyệt chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyết toán dự án.
"Chi phí mua điện có thể phải điều chỉnh do việc thay đổi cước phí vận chuyển khí sẽ dẫn tới thay đổi chi phí nhiên liệu trong giá thành điện", đơn vị kiểm toán lưu ý.
EVN hiện cũng ghi nhận chi phí vận chuyển khí của nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 vào giá thành điện theo đơn giá tạm tính là 1,17 USD/triệu BTU và được áp dụng từ năm 2012. Tại ngày lập BCTC hợp nhất này, EVN chưa nhận được thông tin về việc phê duyệt chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan về đơn giá chính thức cước phí vận chuyển khí.
Khi cước phí vận chuyển khí thay đổi, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh điều này có thể dẫn tới thay đổi chi phí nhiên liệu trong giá thành điện dẫn đến giá mua điện thay đổi.
Bên cạnh đó, EVN cũng được đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương thực hiện việc xác định, thu nộp tiền thuê đất đối với hệ thống đường dây tải điện hiện có tại các địa phương.
Trong năm, tập đoàn đã được thông báo của một số cơ quan chức năng tại địa phương và tạm nộp chi phí này. Tại ngày lập BCTC hợp nhất, tập đoàn chưa nhận được ý kiến của các cơ quan chức năng các địa phương còn lại về việc xác định, thu nộp tiền thuê đất đối với hệ thống đường dây tải điện và các hồ sơ pháp lý có liên quan.
Theo đó, EVN chưa xác định được giá trị đáng tin cậy của toàn bộ chi phí thuê đất đối với hệ thống đường dây tải điện do việc ra quyết định về hồ sơ pháp lý và xác định số tiền thuê đất của các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương sẽ dẫn tới việc thay đổi chi phí này, kiểm toán lưu ý.