Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc chấp thuận cho 308 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán SGB, tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch tương ứng 3.080 tỷ đồng.
Kế hoạch giao dịch trên UPCoM đã được ĐHĐCĐ Saigonbank thông qua từ mùa Đại hội 2019 và đến hiện tại mới được HNX chấp thuận.
Như vậy, Saigonbank sẽ là ngân hàng thứ hai giao dịch trên sàn UPCoM trong năm nay sau Ngân hàng Bản Việt (BVB).
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của Saigonbank lại giảm 2% về mức 312 tỷ đồng. Còn lãi thuần từ dịch vụ giảm mạnh hơn với 21% về gần 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ có 17 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và 30 tỷ đồng lãi hoạt động khác, lần lượt gấp 3,4 lần và 2,5 lần nửa đầu năm trước, cùng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 86%, ở mức 6 tỷ đồng, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ.
|
308 triệu cổ phiếu SGB sắp giao dịch trên UPCoM. |
Năm nay, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm trước. Như vậy, Saigonbank đã thực hiện được 97% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm.
Tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 14% (chiếm gần 322 tỷ đồng) so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,94% lên mức 2,27%.
Ngoài ra, việc tăng vốn để tái cơ cấu khá khó khăn với Saigonbank. Ngay từ năm 2014, Ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ lên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn lên 4.080 tỷ đồng.
Đến tháng 3/2016, Saigonbank đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, ngân hàng này chưa tăng được đồng vốn nào.
Trong các năm qua, do hạn chế nguồn vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nên hệ thống này không đáp ứng được yêu cầu phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Do đó, lợi nhuận của Saigonbank cũng trồi sụt thất thường trong những năm qua, cụ thể lợi nhuận năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt đạt 181 tỷ đồng, 43 tỷ đồng, 139 tỷ đồng, 55 tỷ đồng, 41 tỷ đồng và 144 tỷ đồng.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của Saigonbank đến từ các cổ đông lớn nắm tới 65% vốn, trong đó, đặc biệt cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18% vốn.
Việc Văn phòng Thành ủy TP.HCM và một số cổ đông nhà nước có dự định rục rịch thoái vốn được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng sớm “thay da, đổi thịt”. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.