Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Điện tử Biên Hòa (Belco) sẽ tổ chức đăng ký bán đấu giá toàn bộ gần 1.5 triệu cp SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vào đầu năm 2020.
Vốn điều lệ của Saigonbank là 3.080 tỷ đồng, trong đó Belco nắm giữ 0,49%, tương ứng gần 1.5 triệu cổ phiếu SGB.
Belco đăng ký thoái toàn bộ vốn tại Saigonbank với giá khởi điểm là 20.204 đồng/cp để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Theo mức giá đưa ra, dự kiến Belco sẽ thu về hơn 30 tỷ đồng nếu phiên đấu giá thành công. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến 10h00 ngày 10/1/2020 tại HNX.
Trong tháng 3 hồi đầu năm, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đã tổ chức bán đấu giá thoái vốn hơn 15 triệu cổ phần, tương đương 4,91% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại Saigonbank và thu về hơn 305 tỷ đồng.
Tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã bán đấu giá thành công 13,2 triệu cổ phần Saigonbank với giá đấu thành công bình quân lên tới 20.100 đồng/cp.
Cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18% vốn. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến Saigon Petro với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ hơn 65% vốn của Saigonbank.
|
Belco sẽ thoái toàn bộ vốn tại Saigonbank. |
Kinh doanh lao đao
Hoạt động kinh doanh của Saigonbank trong mấy năm gần đây không khỏi khiến các cổ đông thất vọng khi chỉ hoàn thành ở mức rất thấp về kế hoạch lợi nhuận năm.
Đơn cử năm 2017, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng, song chỉ đạt 71 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm. Năm 2018, Saigonbank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, song cũng chỉ đạt vỏn vẹn hơn 52,5 tỷ đồng, chỉ hoàn thành khoảng 35% kế hoạch năm.
Khó khăn trong năm 2019 lại càng lớn hơn khi lộ trình thực hiện Basel II đang đến gần, và Ngân hàng Nhà nước lại đang có xu hướng siết chặt hơn tăng trưởng tín dụng.
Đáng chú ý, Saigonbank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 10% trong năm 2019 lên 22.440 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay cũng chỉ tăng 10% lên khoảng 15.150 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, Saigonbank có tổng tài sản hơn 22.077 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng tăng 6,15%, đạt 14.511 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 0,16% lên con số 14.701 tỷ đồng.
Nợ xấu của Saigonbank giảm từ mức 2,2% của đầu năm xuống còn 2% cuối kỳ này.
Lợi nhuận sau thuế đạt 198 tỷ đồng. So với các ngân hàng khác, đây là mức lợi nhuận quá nhỏ.
Biến động nhân sự
Đầu tháng 10 mới đây, Saigonbank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu nhân sự cấp cao vì những biến động trước đó.
Trước thềm ĐHĐCĐ năm 2018, Ngân hàng thông báo ông Phạm Văn Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) lúc bấy giờ thôi giữ chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2017 từ ngày 19/6/2018 do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TPHCM.
Sau đó, ông Vũ Quang Lãm - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Saigonbank cũng thôi giữ chức danh Tổng Giám đốc để đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017. Bà Võ Thị Nguyệt Minh - Phó Tổng Giám đốc thường trực chịu trách nhiệm điều hành hoạt động thay cho ông Lãm.
Nối tiếp đà thôi nhiệm, sau đó vào ngày 26/11/2018, ông Nguyễn Minh Trí cũng từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức.
Để đảm bảo số lượng nhân sự theo quy định, ngày 26/11/2018, Saigonbank đã gửi văn bản lấy ý kiến cổ đông về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới và dự kiến sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, vấn đề nhân sự bầu Thành viên HĐQT đã không được đề cập tại Đại hội.
Kết quả cuối cùng của Đại hội, HĐQT thông qua bầu ông Vũ Quang Lãm làm Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2019 - 2024.