Rau quả chưa thoát cảnh được mùa rớt giá

Google News

Tình trạng rộ mùa rớt giá vẫn tiếp diễn dù ngành rau quả liên tục lập kỷ lục về xuất khẩu

Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,7 tỉ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu các mặt hàng này trong nửa cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường.

Xuất khẩu ngoài mong đợi

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), gọi kết quả trên "vượt ngoài sự mong đợi", dự báo năm 2023 xuất khẩu đạt 5 tỉ USD, giữa kinh tế thế giới đang diễn biến xấu.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), phân tích về kỷ lục xuất khẩu rau quả của Việt Nam 6 tháng đầu năm chủ yếu nhờ vào mặt hàng sầu riêng từ Trung Quốc. "Các mặt hàng còn lại và thị trường còn lại không có nhiều sự thay đổi. Vì vậy, tình trạng được mùa mất giá vẫn tái diễn" - ông Mười nêu.

Ông Mười nói thêm từ tháng 4 đến nay, nhiều mặt hàng trái cây vào vụ thu hoạch, mặt bằng giá giảm so với các năm như: vải thiều, mận, xoài, bơ, thanh long... Trong đó, bơ bị rớt giá kéo dài do sản lượng lớn nhưng chỉ tiêu thụ nội địa, các sản phẩm chế biến từ bơ còn hạn chế.

Riêng thanh long, ông Mười cho hay giá thấp mang tính quy luật do từ tháng 6 đến 12 hằng năm, Trung Quốc có thanh long nội địa nên nhu cầu nhập khẩu ít. "Thanh long chủ yếu xuất khẩu, thị trường nội địa tiêu thụ rất ít do người tiêu dùng vẫn không chuộng mặt hàng này. Phải kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng niềm tin của người tiêu dùng Việt để làm bệ đỡ cho thị trường, tránh rớt giá quá sâu khi xuất khẩu gặp trục trặc" - ông Mười nhìn nhận.

Rau qua chua thoat canh duoc mua rot gia

Thanh long ít được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng

Hiệu quả thấp

Theo chủ tịch Vinafruit, rau quả Việt Nam mặc dù có sản lượng gần 35 triệu tấn/năm nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường dẫn đến khó tiêu thụ, tình trạng giải cứu lặp đi lặp lại, ùn tắc trong lưu thông vẫn thường xuyên xảy ra. "Hạ tầng cơ sở dành cho ngành rau quả vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch cao (30%-35%) dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Công nghệ bảo quản rau quả còn lạc hậu càng làm cho hàng hóa giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường. Điều này khiến cho chuỗi cung ứng rau quả của Việt Nam dễ bị đứt gãy và hiệu quả thấp" - ông Bình thẳng thắn.

Do vậy, mới đây, Vinafruit đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) để cùng nhau phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành rau quả.

Ông Lương Quang Thi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thương mại ABA - chuyên về chuỗi cung ứng lạnh, nhìn nhận rau quả là mặt hàng mang tính mùa vụ cao - đến mùa thì đồng loạt thu hoạch với sản lượng lớn.

Khi vào mùa thu hoạch, rau quả sẽ bị thừa cục bộ, giá giảm. Dù giá giảm nhưng cũng khó tiêu thụ, nhiều khi phải bỏ đi vì sản lượng quá lớn. Người tiêu dùng dù có yêu thích sản phẩm, quý mến nông dân cũng không thể ăn mỗi ngày vài ký trái cây nào đó để ủng hộ.

Theo ông Thi, vấn đề này, nước sản xuất rau quả nào cũng gặp phải, không riêng Việt Nam nhưng họ giải quyết bằng cách lưu kho, xuất bán hằng ngày số lượng vừa phải để tránh rớt giá. "Việt Nam chúng ta đang ăn táo, nho, cam tươi nhập khẩu không phải hàng mới hái mà hàng trong kho lạnh, giá cả rất ổn định" - ông Thi dẫn chứng.

Ông Thi nhận xét Việt Nam chưa xuất khẩu trái cây đi xa nhiều, chủ yếu vẫn bán cho thị trường gần là Trung Quốc dưới dạng xá, giá trị không cao. "Muốn thay đổi cục diện cần có quy hoạch kho bảo quản tại vùng trồng và thu hút DN đầu tư để có chi phí thấp cho nông dân thuê. Có như vậy mới nâng được giá trị cho nông sản Việt, giúp nông dân gắn bó với nông thôn" - ông Thi bày tỏ.

Còn theo phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam VACVINA, ngay cả loại quả tỉ USD là sầu riêng cũng cần được quan tâm đầu tư để tránh rơi vào vết xe đổ của nhiều loại quả khác. "Quan trọng nhất là kiểm soát chất lượng, thương hiệu, tạo uy tín để giữ thị trường" - ông Mười nói.


Theo Ngọc Ánh/Người lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)