Hình thức nuôi cá lăng chấm ở hồ thủy lợi của ông Dũng phù hợp cho những nơi có hồ đập thủy lợi lớn hứa hẹn đem lại cơ hội làm giàu cho người dân.
Ông Dũng cho biết, sau một thời gian gắn bó với các đối tượng nuôi truyền thống như cá diêu hồng, cá trê lai… có hiệu quả kinh tế không cao.
Qua tìm hiểu, ông được biết cá lăng chấm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế khá cao nhưng trên địa bàn huyện lại chưa có ai nuôi giống cá này.
Với lợi thế lồng bè nuôi có sẵn, năm 2022, ông mạnh dạn đưa vào nuôi thử nghiệm 600 con cá lăng chấm giống kích cỡ 10 – 12 cm trên một ô lồng có thể tích 80 m3.
Sau gần 1 năm nuôi, cá lăng chấm cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, tỉ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng đạt từ 0,8 – 1 kg/con. Trừ chi phí ông thu lãi trên 25 triệu đồng.
Nhận thấy đây là đối tượng nuôi mới mang lại lợi nhuận cao, có đầu ra khá ổn định, ông đã quyết định chuyển toàn bộ lồng bè với 8 ô lồng của gia đình sang nuôi cá lăng chấm.
Mô hình nuôi cá lăng chấm-cá đặc sản của gia đình ông Dũng trên hồ thủy lợi Bảo Đài, tại thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).
Hiện tại mỗi ô lồng nuôi có thể tích 80 m3 ông thả nuôi khoảng 1.500 con cá giống và thả nuôi theo hình thức gối vụ, từ 2 – 3 tháng ông lại thả giống một ô lồng để có cá thu hoạch quanh năm.
Theo ông Dũng, cá lăng chấm là đối tượng thủy đặc sản nước ngọt vốn chỉ đánh bắt tự nhiên thịt cá thơm ngon, được nhiều người ưu chuộng. Kỹ thuật nuôi cá lăng chấm tương đối đơn giản, cá phù hợp với điều kiện môi trường nước sạch, chảy chậm.
Thức ăn của cá lăng chấm khi còn nhỏ chủ yếu là thức ăn công nghiệp, khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,2 kg/con trở lên thì chuyển dần sang cho cá ăn bằng thức ăn tự phối trộn, ép viên có độ đạm phù hợp để giảm chi phí.
Bình quân sau khoảng 8 tháng - 1 năm thả nuôi, cá sẽ đạt trọng lượng từ 0,1 – 1,2 kg/con, giá bán từ 80.000 – 90.000 đồng/kg nếu bán với số lượng lớn cho thương lái, còn bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thì lên đến 120.000 đồng/kg – 130.000 đồng/kg.
“Mặc dù có thời gian thu hoạch dài hơn, trung bình phải từ 1 năm trở lên nhưng nếu so sánh nuôi cá lăng chấm với các loài cá khác như cá diêu hồng, cá rô phi, cá trê lai trên cùng diện tích mặt nước thì cá lăng chấm cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Đầu ra cũng ổn định khi có thương lái đến thu mua với số lượng lớn”, ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý, trong quá trình nuôi cần quản lý tốt các yếu tố môi trường để hạn chế hao hụt. Ông Dũng chia sẽ, khi mới bắt tay vào nuôi cá lăng chấm ông cũng gặp không ít khó khăn. Ở môi trường nuôi mới nên cá bị mắc các bệnh ngoài da. May mắn là được sự hỗ trợ của các kỹ sư thủy sản từ Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh, ông đã tìm ra phương pháp, kỹ thuật chữa trị, nâng cao tỉ lệ sống cho cá và tích lũy được kinh nghiệm cho mình.
Theo ông Dũng, cá lăng chấm thường xuất hiện bệnh ở thời điểm giao mùa, từ tháng 3 – 4, do vậy cần hết sức chú ý thời điểm này.
Để cá phát triển tốt tất, cả các ô lồng nuôi đều phải được vệ sinh thường xuyên để tạo môi trường thông thoáng; trong các ô lồng được treo các túi vôi để phòng bệnh cho cá. Định kỳ trộn thêm men tiêu hóa, khoáng chất, vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị-Phan Văn Phương, mô hình nuôi cá lăng chấm của ông Trần Đức Dũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Qua theo dõi có thể khẳng định, so với các đối tượng nuôi truyền thống thì cá lăng chấm đang là một đối tượng nuôi mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Đặc biệt, với ưu điểm nuôi trong lồng bè, nước lưu thông liên tục nên cá ít bị bệnh, khỏe mạnh, nhanh lớn, tiết kiệm được chi phí thuốc thú y thủy sản. Đồng thời, nhờ dòng nước lưu thông liên tục nên người nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao; giảm thiểu được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm được nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, khi nuôi cá lồng trong lồng bè người nuôi dễ kiểm soát và cân đối lượng thức ăn, đặc biệt thịt cá dai và ăn ngon hơn, giá bán cao hơn. Cũng theo ông Phương, toàn tỉnh hiện có khoảng 120 hồ đập thủy lợi, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển các mô hình nuôi thủy sản trong lồng bè, trong đó có mô hình nuôi cá lăng chấm.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi cá lăng chấm này, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, người dân cần tham khảo, nghiên cứu về kỹ thuật, điều kiện tự nhiên cũng như nguồn thức ăn để tránh rủi ro.