Bang British Columbia ở Canada là 1 khu vực có thảm thực vật vô cùng phong phú, đặc biệt có rất nhiều những cây vân sam hơn trăm năm tuổi. Chất lượng gỗ của những cây vân sam này thuộc hàng cao cấp nên rất được giới buôn gỗ, chế tác nội thất yêu thích.
Thông thường, gỗ nguyên cây sẽ được vận chuyển tới tay người mua bằng đường biển tới các hải cảng. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển, sẽ có 1 lượng lớn cây gỗ bị tuột xuống biển, trôi lênh đênh trên mặt biển. Đây chính là lý do mà nghề “câu gỗ” trên biển ra đời.
Công việc chủ yếu của nghề này là thu thập gỗ nguyên cây bị trôi trên mặt biển. Trải nghiệm công việc này cũng giống như nhà thám hiểm đi tìm kiếm kho báu vậy, vì mỗi khúc gỗ lớn như thế này đều rất có giá trị.
Khi phát hiện “mục tiêu”, người “thợ săn” sẽ dùng dây thừng có gắn móc câu để buộc cây gỗ vào ca nô, sau đó lái ca nô “đính kèm” cây gỗ quay về bờ.
Parker - 1 thợ “câu gỗ” chuyên nghiệp chia sẻ, đây là nghề truyền thống của gia đình anh. Trước đó, ông nội và cha của anh cũng mưu sinh bằng nghề nghiệp đặc biệt này. Dù đem lại thu nhập khả quan nhưng công việc này cũng đi kèm rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là thời tiết trên biển không ổn định, có thể xuất hiện giông bão bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, do ca nô nhỏ phải kéo theo cả khối gỗ siêu nặng, chỉ cần sơ sẩy là ca nô có thể bị lật.
Để đề phòng rủi ro, Parker sử dụng 1 kính viễn vọng để quan sát thời tiết trước khi ra khơi. Dụng cụ này cũng giúp anh tìm kiếm gỗ trôi dạt dễ dàng hơn, giúp tiết kiệm thời gian cho mỗi chuyến “đi câu”.
Ngoài ra, để tìm kiếm “mỏ vàng trên biển”, Parker thường đi dọc bờ biển để quan sát. Kết quả là trong chuyến “đi câu” mới nhất, anh chàng này thu hoạch được 307 khối gỗ dùng được, tổng chiều dài lên tới 215m. Tính theo giá thị trường, anh chàng có thể thu về 6.500 USD, tương đương 148 triệu đồng trong tháng này.