Tại buổi họp báo ngày 5/4, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề trong điều hành giá xăng dầu, ví dụ điển hình là trong kỳ điều hành giá xăng dầu mới nhất chiều 2/4. Cụ thể như, trong kỳ điều hành ngày 2/4 có mặt hàng như dầu diesel xu hướng thế giới là giá giảm, đồng thời thuế nhập khẩu bình quân cũng giảm nhưng giá xăng dầu điều hành trong nước lại tăng lên.
|
Giá xăng dầu biến động mạnh thời gian qua. |
Về câu chuyện này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, phải quay lại cả kỳ điều hành trước đó (ngày 18/3) để nhìn đúng bản chất.
“Tại kỳ điều hành ngày 18/3, muốn giữ được giá xăng dầu, chúng tôi phải báo cáo các cấp thẩm quyền để xin xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tới 2.800 đồng cho 1 lít xăng E5RON92 và 2.100 đồng đối với RON95; dầu diesel và dầu hoả đều phải xả quỹ hơn 1.000 đồng/lít để giữ giá. Còn tại sao phải giữ giá là theo chỉ đạo của Chính phủ vì không muốn tác động chồng chéo do giá điện cũng sẽ tăng từ ngày 20/3”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích thêm: Nếu ngày 2/4 vừa rồi không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù hơn 2.000-2.800 đồng/lít với các mặt hàng xăng và hơn 1.000 đồng/lít với dầu.
“Ngày 2/4 vừa rồi, giá xăng E5RON92 tăng 1.300 đồng/lít có ý kiến cho rằng đó là tăng “sốc” nhưng nếu không dùng quỹ để bù hơn 2.042 đồng/lít thì xăng E5 phải tăng tới hơn 3.300 đồng. Tương tự với xăng RON 95, Quỹ Bình ổn cũng vẫn phải bù 1.300 đồng/lít”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Từ góc độ ý kiến cá nhân, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Cá nhân tôi không muốn có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và mong bỏ đi càng sớm càng tốt để cong ăn cong, thẳng ăn thẳng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn cần quỹ, cần vai trò quản lý của Nhà nước”.