Gần nửa giờ đồng hồ tìm hàng ăn, gia đình anh Trần Thanh Trọng (ngụ Q.10) đành phải chọn một hàng ăn vỉa hè để cả nhà lót dạ. “Đêm qua đi đón giao thừa về đến nhà đã khuya, sáng dậy muộn nên tính tìm quán ăn ngon đãi cả nhà nhưng “đỏ mắt” cũng không ra. Vì vậy chúng tôi phải ra quán lề đường ăn tạm. Ăn hàng rong nhưng giá cũng ngang ngửa quán sang, như tô hủ tiếu 40.000 đồng/tô, gần gấp đôi ngày thường” – anh Trọng cho biết.
|
Nhiều hàng ăn đóng cửa đến qua tết |
Trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn như Điện Biên Phủ (Q.3), Thành Thái (Q.10), Hai Bà Trưng (Q.1)… các hàng ăn gần như đều đóng cửa đến qua tết. Tận dụng dịp này, quán vỉa hè bán hàng thâu đêm và lúc nào cũng tấp nập khách.
|
Bánh bao di động xếp hàng phục vụ khách |
|
Quán lề đường phục vụ xuyên tết |
|
Hủ tiếu đắt hàng |
Bà Tư bán hủ tiếu trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3) chia sẻ: “Ngày tết nên giá cả thực phẩm có tăng hơn, nhất là các loại rau xanh, bún miếng… Nhân công mình thuê cũng phải tăng thêm chi phí thì họ mới chịu làm. Do đó chúng tôi buộc phải tăng nhẹ giá hủ tiếu. Tuy nhiên, khách cũng rất chia sẻ nên không ai than phiền gì”.
Đa số các hàng ăn đều tăng giá từ 50 -70%, như phở, bún bò, hủ tiếu có giá 25.000 đồng nay tăng lên 40.000 đồng; nước suối, nước giải khát cũng tăng thêm 5.000 đồng/chai; các món ăn vặt như cóc, xoài, bánh tráng trộn cũng kịp thời tăng giá…
|
Món ăn vặt đắt hàng |
|
Hầu hết đều không còn ghế trống |
Điệp khúc “tăng giá ngày tết” dường như đã thành thông lệ nên khách đều chấp nhận. “Đành rằng ngày tết thì cái gì cũng lên nhưng theo tôi, người bán hàng không nên “té nước theo mưa”, tăng giá quá cao dễ mất khách sau này” – bà Hồng ngụ Q.10 bộc bạch.
Cũng trong ngày đầu năm, nhiều phụ huynh đưa con đi tham quan các khu vui chơi như Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa xuân Tao Đàn…; hoặc đưa trẻ đi tìm mua sách với mong muốn con cái chăm ngoan học hành trong năm mới.
|
Nhiều gia đình tranh thủ chụp hình kỷ niệm trong sáng mùng 1 Tết |
|
Hoặc đưa con đi mua sách |