Phải thay đổi cách quản lý chi tiêu sau khi có con
Gia đình Thúy Quỳnh (31 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) gồm 2 vợ chồng và con nhỏ hiện đang sống tại Hà Nội. Hàng tháng gia đình chi khoảng 35-40 triệu đồng, trong đó có khoản trả tiền gốc lẫn vay nợ mua nhà là 5 triệu. Chi tiêu cho 3 bữa ăn của gia đình là 10 triệu; 10 triệu cho nhu cầu của riêng con; xăng xe, điện thoại và đồ dùng gia đình 10 triệu và những khoản khác khoảng 5 triệu đồng.
Hiện tại gia đình Thúy Quỳnh tiết kiệm khoảng 5% thu nhập. Nhiều người cho rằng đây là con số khá thấp trong bối cảnh “bão sa thải” như hiện tại. Tuy nhiên, Thúy Quỳnh chia sẻ rằng: “Hai vợ chồng mình đều có thâm niên trong nghề nên rủi ro thất nghiệp khá thấp. Về câu chuyện ốm đau, hiện tại 3 người trong nhà mình đều trang bị sẵn thẻ bảo hiểm sức khỏe hàng năm. Còn những rủi ro bất khả kháng mà khoản tiết kiệm không đủ, mình sẽ dùng các cách bao gồm giảm chi tiêu, bán các khoản đầu tư hiện có, hoặc sẽ đi vay người thân, ngân hàng để xử lý nếu cần thiết. Sang năm sau, gia đình mình sẽ trả xong khoản nợ mua nhà, mình dự kiến có thể tăng tiết kiệm hàng tháng”.
Được biết chi tiêu gia đình Thúy Quỳnh đã tăng lên gấp đôi sau khi sinh em bé. Trước khi có con, việc quản lý tài chính gia đình khá đơn giản, có thể dễ dàng tiết kiệm được 10 - 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, sau khi có con, bên cạnh những khoản chi tiêu cố định như: bỉm, sữa, học phí, quần áo… sẽ có rất nhiều chi phí phát sinh khác khiến Thúy Quỳnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát. Chẳng hạn, tiền khám chữa bệnh cho bé, nhẹ thì tiền thuốc 1 - 2 triệu, nếu bé bị các bệnh nặng như viêm phế quản, viêm phổi phải nhập viện tổng đợt điều trị sẽ trên dưới 20 triệu.
|
Thuý Quỳnh. |
Theo Thúy Quỳnh, để thích nghi với hoàn cảnh mới, việc quan trọng nhất là cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Hai vợ chồng cùng nhắc nhau là lúc nào định xuống tay mua món đồ đắt đỏ phải nghĩ ngay đến chuyện tháng sau lỡ con ốm để “kìm lòng” lại. Bên cạnh đó, cô khuyên các bậc phụ huynh nên chuẩn bị ít nhất một chiếc thẻ sức khỏe cho con, hỗ trợ rất nhiều trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh cả ngoại trú và nội trú.
Bí quyết quản lý chi tiêu sau những ngày “mông lung"
Giữa đầu tư và tiết kiệm, Thúy Quỳnh chia mức độ quan trọng của 2 khía cạnh này theo tỷ lệ tương ứng là 60%-40%. “Với mình, chi tiêu tiết kiệm vẫn quan trọng hơn, nhưng bên cạnh đó, vợ chồng mình vẫn cố gắng kiếm thêm thu nhập để gia tăng chất lượng cuộc sống”.
Hiện tại ngoài khoản lương cố định, gia đình cô có thêm 2 nguồn thu nhập bên ngoài. Bên cạnh các khoản đầu tư tài chính dài hạn, vợ chồng cô có góp vốn cho một người bạn kinh doanh, mỗi tháng sẽ được trả một phần lợi nhuận dựa trên tỷ lệ góp. Hàng tháng, Thúy Quỳnh nhận thêm một số công việc bên ngoài để tăng thêm thu nhập, và gần đây phát triển thêm theo hướng làm nhà sáng tạo nội dung.
|
Không gian phòng khách nhà Thúy Quỳnh
|
Trong câu chuyện chi tiêu, có 2 cách Thúy Quỳnh cho là mọi gia đình có thể áp lực để kiểm soát tài chính. Đầu tiên, hãy lên sẵn danh sách đồ cần mua trước khi đi siêu thị. “Ngày xưa mình có thói quen tuần nào cũng lượn lờ siêu thị vài lần, xong vui tay nhặt đủ thứ đồ về nhà, mỗi lần như vậy thanh toán hóa đơn cũng phải trên 2 triệu. Nhiều khi mua nhiều quá mình còn quên mất, đến khi lấy ra thì đồ đã hỏng hoặc hết hạn. Vì thế, mình bắt đầu tập cách lên sẵn danh sách đồ cần thiết phải mua trước khi đi siêu thị hoặc đi chợ. Mình sẽ mua thực phẩm theo ngày chứ không tích trữ, vừa không đảm bảo sức khỏe mà để lâu đồ hỏng cũng phí phạm”.
Bên cạnh đó, hạn chế ăn uống ngoài hàng. Từ khi có con gia đình Thúy Quỳnh ăn cơm nhà nhiều hơn, vừa để tiện việc chuẩn bị đồ ăn dặm cho con, vừa tiết kiệm chi phí nữa. Cô quy định luôn là chi phí ăn hàng mỗi tháng cho 3 người không được vượt quá 5 triệu đồng, cứ chạm mức này là cả nhà lại vui vẻ ăn cơm nhà chờ tháng tiếp theo.
Đối với những gia đình trẻ chuẩn bị kết hôn, Thúy Quỳnh cho rằng đầu tiên cần chia sẻ và minh bạch với nhau về khía cạnh tài chính. Tức là hai vợ chồng luôn phải biết rõ thu nhập của mỗi người tháng này bao nhiêu, chi tiêu những gì, cần mua sắm gì thì cùng nhau bàn bạc. Chỉ khi biết được thực tế nguồn tài chính của gia đình, cả 2 mới có ý thức tiết kiệm, đồng thời đặt mục tiêu tăng thêm thu nhập cùng nhau.
Thứ hai là trước khi quyết định có con, hãy chuẩn bị một nền tảng tài chính thật vững chắc. “Mình không đồng ý với quan điểm của một số bạn trẻ nghĩ rằng cứ sinh con ra rồi có bao nhiêu nuôi bấy nhiêu. Vì sinh con thì dễ, nhưng nuôi con làm sao để con khỏe mạnh, đủ đầy và được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt mới khó. Vì vậy, ít nhất hãy chuẩn bị 1 khoản tiết kiệm ít nhất là 200 triệu trước khi có kế hoạch sinh con”.