Phù phép dâu tây Trung Quốc thành Đà Lạt- nhà vườn chịu thiệt

Google News

Dù là hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng dâu tây Trung Quốc khi bán lẻ lại bị tiểu thương đổi xuất xứ thành hàng Đà Lạt tại TP HCM

Chưa bao giờ tại TP HCM dâu tây lại nhiều và rẻ như hiện nay. Chỉ cần 20.000 - 30.000 đồng là người tiêu dùng có thể sở hữu 1 hộp (500g), tương đương 40.000 - 60.000 đồng/kg, phần lớn người bán đều nói dâu tây từ Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hàng Trung Quốc thành "hàng VIP Đà Lạt"

Ghi nhận tại kênh phân phối truyền thống, rất nhiều xe trái cây lưu động, các sạp trái cây bên ngoài và bên trong chợ truyền thống có kinh doanh mặt hàng dâu tây.

Tại đường Trịnh Hoài Đức (quận Bình Thạnh) dâu tây được đổ đống cho khách tự lựa hoặc đóng hộp sẵn 500 g với giá bán 35.000 đồng/hộp, 2 hộp 60.000 đồng; một số nơi khác thì có giá bán 40.000 đồng/hộp. Dâu tây cũng được bán rong tại khu vực quận 1, Phú Nhuận… cùng bảng rao "hàng VIP Đà Lạt", giá 50.000 đồng/hộp 500 g. Khi hỏi về nguồn gốc, các tiểu thương đều khẳng định đây là dâu tây Đà Lạt, vì hàng vào mùa nên giá rẻ (!).

Phu phep dau tay Trung Quoc thanh Da Lat- nha vuon chiu thiet

Dâu tây giá rẻ được bán tại TP HCM

Trao đổi với người viết ngày 19/3, chị Trần Thị Ngọc Châu, thành viên HTX 4.0 (chuyên cung cấp dâu tây vào các cửa hàng tại TP HCM) cho biết chị đang đi thăm các nhà cung cấp dâu tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Giá dâu tại vườn Đà Lạt đang phổ biến ở mức từ 100.000 - 250.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên vào cuối tuần tại chợ đầu mối Thủ Đức, nơi cung cấp sỉ trái cây chính cho các tiểu thương bán lẻ tại TP HCM, dâu tây Trung Quốc về chợ rất nhiều. Dâu tây Trung Quốc có 2 dạng đóng gói bằng rổ nhựa màu xanh hoặc bằng thùng xốp trắng, trên nhãn có chữ tiếng hoa, một số còn tem vận chuyển của hãng hàng không. Giá bán theo rổ/thùng (7-8 kg) từ 450.000 - 600.000 đồng, nếu mua số lượng nhiều giá sẽ thấp hơn.

Theo quan sát của phóng viên, một số tiểu thương sau khi mua sỉ dâu tây Trung Quốc đã đóng hộp lại sau đó công khai đề bảng hoặc phát loa "dâu tây Đà Lạt" để bán cho người tiêu dùng. Tại đây, giá bán lẻ cao nhất ở mức 90.000 đồng/kg, còn lại phổ biến ở mức 60.000 đồng/kg, còn lại 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Thông tin từ Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, dâu tây nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng chính ngạch, có đầy đủ giấy tờ khi đăng ký xuống hàng với công ty quản lý chợ. Tuy nhiên, việc đổi xuất xứ dâu tây của tiểu thương khi bán lẻ lại ngoài phạm vi quản lý của chợ đầu mối.

Nhà vườn chịu thiệt

Ngoài 2 dạng đóng gói bằng rổ nhựa màu xanh hoặc bằng thùng xốp trắng, chợ đầu mối còn về dâu tây Đà Lạt đóng trong hộp giấy 3 kg, giá bán từ 270.000 - 300.000 đồng/kg.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, thời điểm hiện nay dâu tây đang vào mùa ở tất cả các vùng trồng. Trong nước, có Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng); nhập khẩu thì Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, dâu tây bán ngoài đường, không bảo quản lạnh, chủ yếu là dâu tây Trung Quốc còn những loại khác đều bị xuống mã, không thể bán được.

"Chưa bao giờ dâu tây bị dội chợ và dâu Trung Quốc có giá quá rẻ như năm nay. Dâu tây Đà Lạt bị kẹp giữa 2 đầu nên rất khó. Phân khúc cao cấp thì khách chọn dâu Hàn Quốc vừa đẹp vừa ngọt, phân khúc hàng quán xay sinh tố thì chọn dâu Trung Quốc" - bà Châu nói.

Cũng theo bà Châu, năm nay có thêm dâu Mộc Châu vào TP HCM nhưng chủ yếu chỉ đi được kênh online, gom đơn hàng trước và giao ngay dâu tây bà con hái chín, không thể trưng bày trên kệ và giá cũng không dưới 100.000 đồng/kg.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP HCM, nếu dâu tây nhập khẩu chính ngạch thì có thể yên tâm vì đã qua kiểm soát. Tuy nhiên, người bán đã gian lận về xuất xứ. "Người bán nói dối về xuất xứ để dễ bán hàng vì họ không bán giá cao như dâu tây Đà Lạt thật. Tôi thấy nhiều siêu thị hiện nay có bán hàng ghi xuất xứ Trung Quốc bình thường, người bán lẻ chợ truyền thống cũng nên học tập theo để tránh bị phạt nếu cơ quan quản lý kiểm tra" - bà Thu nêu quan điểm. Bà Thu cũng cho rằng bên cạnh vai trò quản lý của nhà nước thì người tiêu dùng cũng có trách nhiệm trong việc lựa chọn hàng hóa. Đối với nhóm hàng được bán rong, bán ở các chợ tự phát, rủi ro cao thì không nên mua vì không được kiểm soát.

Còn bà Đặng Thu Hiền, quản lý vườn dâu Nam Anh (Đà Lạt, Lâm Đồng), thì cho biết mỗi ngày, vườn cung cấp khoảng 200 kg dâu tây giống Nhật Bản với giá 320.000 - 500.000 đồng/kg (cố định quanh năm) nhưng do đang vào mùa nên có chính sách giảm giá 20% để giữ chân khách hàng. "Tình trạng dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu tây Đà Lạt khiến chúng tôi rất khó phát triển kênh cửa hàng phân phối vì khách hàng sợ mua trúng hàng giả. Khách đến tận nơi, thấy quy trình trồng, tin tưởng chất lượng thì sẵn sàng chi trả nhưng ở cửa hàng, dù tiện lợi hơn lại sợ bị trà trộn" - bà Hiền nói.

Vì sao dâu tây Trung Quốc quá rẻ?

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về giá rất lớn bên cạnh sự cải thiện về chất lượng trong thời gian gần đây. Do đó, rất nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau quả ôn đới của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

"Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nhập nên chi phí vận chuyển xe chiều từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ bằng 1/3 chiều đi. Do đó, chi phí vận chuyển của rau quả từ Trung Quốc về Việt Nam rất rẻ. Đối với dâu tây, Trung Quốc cải tiến về giống, canh tác, bảo quản sau thu hoạch và canh tác quy mô lớn nên giá rẻ. Tất nhiên, dâu tây Trung Quốc ăn thì không ngon bằng dâu tây của nhiều nước…" - ông Nguyên bày tỏ.

Ông Nguyên cũng đề nghị nhà nước tăng cường kiểm soát về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng theo xu hướng các nước trên thế giới đang áp dụng.

Theo Ngọc Ánh/Người lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)